Không tổ chức được ASIAD 18 nguyên nhân từ ngành TDTT

TP - Trao đổi với Tiền Phong chiều qua 17/4, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho rằng, việc Việt Nam không thể đăng cai Asiad 2019 xuất phát từ chính cách chuẩn bị của ngành thể thao.
Theo đề án ban đầu, riêng dự án xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo, hợp tác với đối tác Hàn Quốc, tốn tới 250 triệu USD và đây cũng là một trong những hạng mục bị dư luận phản ứng nhiều. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Hồng Minh nói: “Cá nhân tôi cảm thấy buồn vì Việt Nam không thể đăng cai Asiad. Các HLV, VĐV sẽ thiếu một cột mốc để phấn đấu, luyện tập. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng tầm nền thể thao.

“Sẽ có người hỏi tôi vì sao liên tục phản đối đăng cai Asiad nhưng bây giờ lại nói như vậy. Tôi xin nói rõ, ở đây tôi chỉ phản đối cách làm của ngành thể thao. Không thể nào một công việc quan trọng như trên, ngành thể thao khi tiến hành lại chỉ xoay quanh ý kiến chủ quan của một số người.

Về chuyên môn, theo tôi được biết, những người nắm chuyên môn về thể thao không hề được trao đổi ý kiến, cả những người đương chức và những người đã nghỉ hưu.

“Về tài chính, việc dự trù kinh phí của ngành thể thao là chủ quan, không đầy đủ. Số tiền 150 triệu USD đăng cai Asiad 2019 không thể thuyết phục được ai về tính khả thi. Ở thời điểm hiện nay, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, việc đăng cai một sự kiện lớn như Asiad sẽ rất gây tốn kém” – ông Minh cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Minh (giữa) dẫn đầu Đoàn TTVN tham dự Asiad 15 năm 2006 tại Doha, Qatar. Ảnh: VSI

Theo ông Minh nếu chúng ta tiến hành chậm hơn, chuẩn bị chu đáo hơn thì hoàn toàn có thể đăng cai Asiad được. Từ hồi năm 2004 ông đã đề cập việc này nhưng lùi thời gian đăng cai Asiad về sau nữa, đảm bảo Việt Nam đủ khả năng làm tốt công tác chủ nhà, Asiad cũng đem lại hiệu ứng tích cực chứ không gắn liền với nhiều nỗi lo như vừa qua.

Trong khi đó, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT Dương Nghiệp Chí có cách nhìn riêng. Ông Chí cho biết: Trong quá trình còn bàn luận, ông từng nêu quan điểm không tán thành việc Việt Nam đăng cai Asiad 2019. Nhưng khi chúng ta đã đăng ký với Hội đồng Olympic châu Á và giành chiến thắng rồi thì ông cũng đành ủng hộ vì ông cho rằng, đã đăng cai rồi thì phải làm. Vấn đề là chúng ta làm như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Trong giai đoạn vận động đăng cai Asiad 18, Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) nhiều lần đề cập việc Việt Nam có thể bị phạt nếu rút đăng cai. Tuy nhiên, trả lời Tiền Phong hôm qua, một quan chức ngành thể thao bỏ ngỏ khả năng này.

“Tuy nhiên, với những vấn đề phát sinh gần đây, đặc biệt là ở môn bóng đá thì theo tôi, việc ngừng đăng cai Asiad là hợp lý. Bóng đá là môn quan trọng, được đông đảo dư luận quan tâm. Asiad muốn thành công thì môn bóng đá của chúng ta phải được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Nhưng với tình hình hiện nay, rất khó để bóng đá giải quyết triệt để được các vấn đề tiêu cực trong vòng 5 năm tới. Việc chuẩn bị lực lượng để thi đấu với các quốc gia ở châu Á lại càng khó khăn hơn. Chúng ta vẫn đăng cai Asiad thì quá liều”, ông Chí nói.

Ông Chí cho rằng qua việc này, ngành thể thao sẽ phải đánh giá lại một cách đầy đủ hơn để rút kinh nghiệm cho các sự kiện khác, cũng như có chiến lược phát triển lâu dài. Trong tương lai xa, chúng ta vẫn có thể đăng cai Asiad hoặc thậm chí các giải thể thao lớn hơn. Điều cốt yếu là đánh giá đúng tiềm lực thể thao, kinh tế của mình.