Không thể thay ngay toàn bộ chương trình và SGK

TPO- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa trả lời nhiều câu hỏi băn khoăn của cử tri và đại biểu Quốc hội liên quan tới chương trình – sách giáo khoa (SGK), vấn đề việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

Trước câu hỏi của đại biểu quốc hội: “Việc cải cách giáo khoa vừa qua là thiếu một chương trình tổng thể từ đầu, mà thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, từng năm nên hiệu quả đạt không cao như mong muốn, cần rút kinh nghiệm?”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, một trong những nguyên tắc được quán triệt trong xây dựng chương trình và sách giáo khoa là phải đảm bảo tính thống nhất, liên thông từ lớp 1 đến lớp 12, lớp sau kế thừa lớp trước. Trong chu kỳ làm sách giáo khoa trước đây, do thời gian chuẩn bị ngắn, vai trò của tổng chủ biên, chủ biên từng bộ sách các môn của từng năm học và chủ biên của mỗi môn học trong cả hệ thống chưa thực hiện đầy đủ, nên chương trình và sách giáo khoa hiện hành chưa thật sự liên thông, thống nhất và đó là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng quá tải.

Bộ GD&ĐT đã được nghiêm túc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa các lần trước đây để tổ chức xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông giai đoạn sau năm 2015.

“Việc triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa được tiến hành theo hình thức cuốn chiếu là việc bắt buộc phải làm đối với mỗi quốc gia và chu kỳ thay sách nào cũng phải thực hiện, vì theo nguyên tắc sư phạm, chỉ các cháu khi học xong chương trình đổi mới ở lớp dưới mới theo học được chương trình đổi mới ở lớp trên”-. Bộ trưởng khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng, như vậy, một chu kỳ thay sách sẽ kéo dài từ 10 đến 12 năm (tùy thuộc số năm học của hệ thống giáo dục), mỗi năm chỉ thay cho một lớp, lần lượt từ lớp 1 đến hết lớp 12, không thể đồng thời thay ngay một lúc toàn bộ chương trình và sách giáo khoa của cả hệ thống được.

Ảnh minh họa. Ảnh: Thanh Niên

Bộ trưởng thừa nhận nhiều SV tốt nghiệp không tìm được việc làm

Trước câu hỏi của Đại biểu Quốc về vấn đề việc làm của sinh viên, sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc có việc làm thì không đúng chuyên ngành đã được đào tạo?

Bộ trưởng GD&ĐT thừa nhận, thực tế hiện nay có tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm hoặc làm trái với chuyên ngành đào tạo.

Bộ trưởng cũng chỉ ra nguyên nhân khách quan là, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (cũng như nguồn lao động) không chỉ làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp của nhà nước, mà làm việc ở tất cả các cơ sở thuộc 5 thành phần kinh tế. Xét từ góc độ nguồn cung ứng nhân lực, tham gia cung cấp sinh viên tốt nghiệp cho thị trường lao động không chỉ có các trường công lập, mà còn có các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài.

Về nguyên nhân chủ quan, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo chưa quan hệ chặt chẽ với thị trường lao động, chưa nắm bắt được nhu cầu nhân lực; việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành, trường đào tạo là do học sinh tự quyết định, tuy nhiên lại thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực, thông tin về thị trường lao động…; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương chưa sát thực; năng lực học tập của một số học sinh thấp, chất lượng chưa cao.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết những giải pháp đã được Chính phủ và các Bộ, ngành triển khai như: Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp trong và ngoài nước nhưng chưa có việc làm; sửa đổi, bổ sung Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 cho phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực của các địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm, giúp cho người học có cơ sở lựa chọn những ngành nghề có khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp;

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã triển khai ban hành quy định về công tác hướng nghiệp và tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Đến nay đã có 150 trường ĐH, CĐ thành lập trung tâm tư vấn việc làm;

Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực. Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã thông báo tình hình đào tạo các ngành nghề và tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” (như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…), đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này.

Đưa ra cảnh báo, khuyến cáo đối với người học về nhu cầu nhân lực trong hiện tại và tương lai gần. Việc cảnh báo đã góp phần giúp người học có định hướng và lựa chọn ngành nghề đúng đắn hơn (Năm 2013, số hồ sơ đăng ký dự thi nhóm ngành Kinh tế - Quản lý đã giảm 10,5%, trong khi đó nhóm ngành Khoa học sức khỏe tăng 1,7%; Môi trường và Bảo vệ môi trường tăng 1,4%; Công nghệ - Kỹ thuật tăng 0,5%);

Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động; giảm quy mô đào tạo không chính quy (bằng 50% chính quy); củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo liên thông.

Theo Viết