Ngăn chặn, đẩy lùi TNGT đã và đang là câu hỏi bức xúc không dễ trả lời. Cuộc thi “phòng chống TNGT - thái độ của bạn” đã thu hút được nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân đề xuất những giải pháp nhằm đẩy lùi TNGT.
Theo tôi muốn phòng chống TNGT ở nước ta cần phải có giải pháp đồng bộ kết hợp với xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm luật, dù là lỗi rất nhỏ.
Sao “lớn” thì phải đền “bé”?
Theo quy định của pháp luật về giao thông thì tất cả mọi hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm, nhưng thực tế lại chưa hẳn đã như vậy, nhất là ở các tỉnh lẻ. Hiện còn khá nhiều người đi bộ, đi xe đạp khi đi đường không chấp hành Luật giao thông.
Người ta thường có ý là phương tiện lớn phải tránh người đi bộ và phương tiện thô sơ. Và phương tiện nhỏ, thô sơ không cần phải chấp hành luật giao thông, đèn đỏ ở giao lộ họ vẫn ngang nhiên đi.
Người có trách nhiệm kiểm tra, kiểm sát thì cũng cho đó là việc nhỏ, cho qua, hoặc khi phát hiện cũng chỉ nhắc nhở rồi cho qua. Chính từ việc bỏ qua các lỗi nhỏ đã nuôi mầm để sau đó xảy ra lỗi nghiêm trọng. Cho nên đã nói là luật thì vi phạm lỗi nhỏ đều phải xử lý nghiêm, để triệt cái mầm độc gây lỗi lớn sau này.
Trong Luật giao thông cũng quy định rõ mức phạt đối với từng lỗi vi phạm, nhưng thực tế khi xảy ra tai nạn thì rất nhiều trường hợp phương tiện lớn phải đền phương tiện nhỏ; người đi xe đạp phải bồi thường người đi bộ… Cách hành xử này đã sinh ra đám “dặt dẹo” chuyên ăn vạ, hành người đi xe...
Không thể cứ đền tiền là xong
Hiện nay, việc xử lý những người gây tai nạn nghiêm trọng như gây chết người, bị thương nặng...chưa nghiêm và chưa theo luật. Ở nhiều nơi, cách hành xử khi gây tai nạn chết người cứ đền 50 triệu cho người nhà có người bị chết, 30 triệu nếu bị què chân, 20 triệu cho người bị gãy tay còn tồn tại khá phổ biến, nhất là ở những vùng nông thôn.
Sau khi đền tiền, hai bên thỏa thuận cam kết hòa giải là xong. Cách hành xử này trái với luật pháp, không mang tính giáo dục, răn đe; nặng về vật chất mua bán, coi nhẹ tính mạng con người. Với cách hành xử trên, với những ông chủ phương tiện tham gia giao thông giàu có thì việc đền vài chục triệu đồng thật đơn giản.
Cho nên tôi thiết nghĩ để mọi người chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông phải xử lý nghiêm mọi lỗi vi phạm từ nhỏ đến lớn theo đúng luật pháp, chấm dứt cách hành xử “hoà giải đền tiền” là xong.
Tiền không thay được luật. Trước đây, những người gây rối trật tự công cộng ngoài phạt tiền còn bị bắt buộc lao động nhổ cỏ, vệ sinh trên đường, trong công viên từ 1 đến 3 ngày.
Hình thức này gây ấn tượng mạnh đối với người sai phạm; nhất là với những “công tử” nhiều tiền. Thực chất vi phạm luật lệ giao thông cũng là hành vi làm mất trật tự công cộng.
Cho nên, theo tôi với những người vi phạm luật giao thông chưa đến mức phạt tù, ngoài phạt tiền, không cần “nhốt” xe tốn công giữ chỉ xin mời đi lao động công ích từ 1-3 ngày, sẽ có tác dụng giáo dục, răn đe sâu sắc.
Để phòng ngừa TNGT bền vững, ngoài các biện pháp tuyên truyền, giáo dục; xử phạt nghiêm khắc chính quyền các cấp cần chú ý ngăn ngừa tai nạn ngay từ khi quy hoạch giao thông, đô thị.
Trong quy hoạch không nên để các trường học, siêu thị gần nhau, phòng khi tan học người mua bán đông dễ gây ùn tắc. Các cụm công nghiệp, nhà máy phải quy hoạch xa trung tâm đô thị để phân tán lượng người tham gia giao thông khi tan ca làm việc.
Hệ thống giao thông, biển báo hướng dẫn người tham gia giao thông hoàn thiện. Việc quy định tốc độ trên từng con đường chỉ cần chỉ dẫn một tốc độ tối đa không nên hạn chế tốc độ từng đoạn gây ức chế lái xe, vì trong luật đã có câu “người điều khiển phương tiện tham gia giao thông làm chủ tốc độ”.
Mong rằng mỗi người dân góp một sáng kiến để đẩy lùi TNGT, đem lại sự bình yên cho mỗi gia đình và xã hội.