Ít nhất 2 bộ trưởng của nội các Nhật đã đích thân đến viếng đền. Đó là Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, 39 tuổi, người đang được đồn là sẽ trở thành thủ tướng tương lai, và Bộ trưởng Giáo dục Koichi Hagiuda, một đồng minh của ông Abe.
Ông Abe không đích thân đến viếng đền kể từ chuyến thăm hồi tháng 12/2013, chuyến đi khiến Bắc Kinh và Seoul phản ứng giận dữ.
“Tôi đến để chuyển thông điệp từ Chủ tịch (đảng Dân chủ Tự do cầm quyền) Abe rằng ông bày tỏ sự kính trọng từ đáy lòng đến những người đã chết trong chiến tranh và cầu nguyện cho sự bình yên mãi mãi trong tâm hồn họ”, nghị sĩ Shuichi Takatori, người đại diện cho ông Abe đến viếng đền, cho biết.
Đền Yasukuni là nơi thờ 2,5 triệu người chết trong chiến tranh, trong đó có 14 vị chỉ huy thời chiến đã bị toà án của phe Đồng minh kết án là tội phạm chiến tranh.
Mỹ và Nhật Bản trở thành đồng minh gần gũi sau khi Thế chiến 2 kết thúc, nhưng di sản cuộc chiến này vẫn ám ảnh Đông Á cho đến bây giờ.
Người Hàn Quốc gọi ngày này là Ngày giải phóng quốc gia, phẫn nộ với sự chiếm đóng của Nhật Bản trên bán đảo trong thời gian từ năm 1910-1945. Trung Quốc cũng có những ký ức đau buồn về thời kỳ bị Nhật tấn công và chiếm đóng một số khu vực trong giai đoạn 1931-1945.
Quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc đặc biệt căng thẳng vì mâu thuẫn trong vấn đề bồi thường cho những người Hàn Quốc bị ép làm việc trong các hầm mỏ và nhà máy thời chiến, cũng như vấn đề những “phụ nữ giải khuây” bị ép phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật thời chiến.
Thủ tướng Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay nói rằng chính phủ của ông luôn sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản để giải quyết những mâu thuẫn lịch sử.
Trong một lễ tưởng niệm những người chết trong chiến tranh được tổ chức năm ngoái, Nhật hoàng Naruhito, cháu nội của Nhật hoàng thời chiến Hirohito và là vị vua đầu tiên sinh ra sau chiến tranh bày tỏ sự “ân hận sâu sắc” đối với cuộc chiến. Thủ tướng Abe năm ngoái cam kết “sẽ không bao giờ lặp lại những tàn phá của chiến tranh” nhưng không nhắc lại những lời hối hận của Nhật hoàng.
Do tình hình COVID-19, năm nay chỉ có khoảng 530 người, trong đó có thân nhân những người đã chết trong chiến tranh, dự kiến tham gia một lễ tưởng niệm do chính quyền tổ chức, ít hơn nhiều so với con số hơn 6.000 năm ngoái.
Tất cả những người tham gia, bao gồm cả Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako, đều phải đeo khẩu trang và ngồi cách nhau ít nhất 1m. Màn biểu diễn âm nhạc được thay thế bằng quốc ca.