Ông Phạm Gia Yên cho rằng: Giải pháp mà Thông tư đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề từ thực tế nóng bỏng hiện nay. Thực tế thời gian qua và đặc biệt qua khảo sát hầu hết 100 giấy phép xây dựng phát ra của các thành phố lớn như Hà Nội thì có đến khoảng 70% trường hợp xây dựng sai phép!
Chẳng hạn, công trình bên cạnh họ được xây cao 7 tầng nhưng nay lại cấp phép cho xây 5 tầng, khi họ xây thêm một cái tum cũng là sai phép, thêm cái ban công cũng sai phép. Về cơ bản là người ta lấn chiếm thêm không gian. Ngoài ra, nhiều dự án nhà chung cư thương mại xây sai so quy hoạch chi tiết 1/500. Nhiều công trình khi phát hiện ra sai phạm thì đã xây cao rồi, sai quy hoạch, sai tầng cao rất nhiều.
Nguyên tắc “phạt cho tồn tại” trong Thông tư 02 chỉ nhằm giải quyết những công trình sai phạm trước đây, thưa ông?
Đúng như vậy, Thông tư 02 là hướng dẫn những điều của Nghị định 121, quy định xử lý đối với những công trình vi phạm đã xây dựng rồi, đã tồn tại rồi mà vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Con số này lên đến hàng ngàn công trình chứ không ít. Còn đối với những công trình mới vi phạm thì vẫn xử lý theo Nghị định 180.
“Đây là thực trạng rất nhức nhối, đặt ra yêu cầu cấp bách là phải giải quyết những tồn tại này như thế nào. Điều tôi mong muốn là phải tháo gỡ những khó khăn cho người dân, không thể tiếp tục để người dân vì thế mà bị “hành” đủ kiểu”.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng
Thưa ông, mức phạt từ 40 đến 50% giá trị phần sai phạm liệu có đủ sức răn đe, hay lại dẫn đến tư duy “có tiền là xong”?
Trước khi ban hành, chúng tôi đã khảo sát rất kỹ. Thậm chí nhiều người cho rằng mức phạt quá cao. Chẳng hạn, đối một dự án chung cư vi phạm đưa ra mức phạt 50% giá trị phần vi phạm là cao. Giá bán theo hợp đồng của chủ đầu tư 20 triệu/m2, thì bị phạt tới 10 triệu/m2. Giá hợp đồng ở đây đã bao gồm chi phí xây dựng, tiền đất và lợi nhuận của chủ đầu tư...
Tình trạng xây dựng sai phép, trái phép tại Hà Nội và nhiều đô thị lớn đang rất nhức nhối. Ông có kiến nghị gì để xử lý tình trạng này?
Căn cứ quan trọng của việc cấp phép xây dựng là quy hoạch 1/500, trong đó phải có thiết kế đô thị. Tất cả những thông số, điều kiện phải rõ ràng, công khai cho người dân biết khi cấp phép xây dựng. Cùng một tuyến phố nhưng có người được cấp giấy phép xây dựng 10 tầng, có người thì chỉ được cấp 5 đến 7 tầng, dẫn đến tình trạng xin – cho, rồi có nhiều trường hợp sẽ xây dựng sai phép, xây dựng vượt tầng trong khi chính quyền thì không dễ gì “cắt ngọn” được những công trình vi phạm kiểu này. Hậu quả là sai phạm dây chuyền không xử lý được trường hợp nào cả, ông này so sánh với ông kia, tồn tại dai dẳng rất nhức nhối...