Sáng 7/8, tại Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề.
Giải quyết điểm nghẽn phát triển
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), quy mô và năng lực vận tải đường thủy còn thấp; chưa có cảng đầu mối và các trung tâm logistics lớn.
Ông Lâu nêu một thực tế, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TPHCM làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa; đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng, kỳ vọng sẽ giải quyết điểm nghẽn bấy lâu nay của vùng ĐBSCL, đồng thời cho rằng cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng, sẽ "là mảnh ghép hoàn hảo, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng".
Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - cho rằng, hiện nay, đa số hàng hoá nông, thuỷ sản của ĐBSCL đều phải vận chuyển bằng ô tô lên TPHCM, trong khi, nếu có cảng biển tại ĐBSCL, sẽ tiết kiệm được 20 - 30% chi phí. "Để tạo ra bước đột phá, việc đầu tư cảng biển Trần Đề có ý nghĩa rất lớn", ông Trung nói.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta - cho hay, công ty của ông chuyên về các mặt hàng thuỷ sản, hằng năm xuất khẩu khoảng 25.000 - 30.000 tấn. Trong 27 năm qua, hàng hoá của công ty đều phải vận chuyển về các cảng ở TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... vừa tốn thêm chi phí, vừa áp lực phải giao hàng tại cảng đúng hẹn trong khi giao thông ùn tắc.
"Nếu hình thành cảng biển Trần Đề nằm ở Sóc Trăng, sát địa bàn các tỉnh ĐBSCL sẽ giảm chi phí vận chuyển, giảm rủi ro cho đơn hàng, tăng tính tin cậy trong xuất nhập khẩu hàng hoá; mặt khác, sẽ tạo được ưu thế cạnh tranh cho hàng hoá của khu vực. Mỗi năm, doanh nghiệp của tôi xuất khẩu khoảng 1.500 - 2.000 container, nếu có cảng biển Trần Đề, sẽ giảm được khoảng 20 tỷ đồng chi phí", ông Lực nói.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty công nghệ cao Trung An (hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo) - cho biết, mỗi năm doanh nghiệp của ông xuất khẩu khoảng 200.000 tấn gạo, đều phải giao nhận tại các cảng ở TPHCM.
"Có Cảng biển Trần Đề sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Hiện mỗi năm vùng ĐBSCL xuất đi hàng chục triệu tấn hàng hoá, nhập về cũng hàng chục triệu tấn. Phí trung chuyển sẽ giảm 40% so với việc phải vận chuyển hàng hoá lên các cảng biển ở TPHCM. Nếu là hàng thuỷ sản và trái cây sẽ giảm được tới 50%, tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm", ông Bình nói.
Không có cảng biển, ĐBSCL sẽ mãi nghèo
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư Nguyễn Văn Thể cho rằng dự án cảng biển Trần Đề đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều năm qua. Theo ông Thể, bằng mọi biện pháp phải triển khai; dù đầu tư bao nhiêu cũng phải làm cảng biển Trần Đề.
Từng kinh qua các chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thể phân tích, những năm gần đây, đóng góp của vùng ĐBSCL vào GDP cả nước ngày càng thấp đi. Vùng ngày càng nghèo hơn so với bình quân cả nước và so với thế mạnh của vùng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, một phần nguyên nhân khiến ĐBSCL nghèo là do chưa có cảng biển cửa ngõ. Hàng hoá xuất nhập khẩu đều trung chuyển qua TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mỗi tấn hàng hoá xuất nhập khẩu phải chịu chi phí khoảng 10 USD.
"Không có cảng này thì ĐBSCL sẽ mãi nghèo, người dân không có việc làm, phải đi làm thuê, kéo theo nhiều bất ổn xã hội. Vì thế, Đảng, Nhà nước thấy cần thiết phải xây dựng một cảng cửa ngõ cho ĐBSCL. Nếu đầu tư sớm sẽ mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng tạo đột phá cho phát triển. Nếu làm chậm sẽ tiếp tục nghèo khó, phát sinh các vấn đề xã hội lớn", ông Thể cảnh báo.
Ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng nhấn mạnh, việc đầu tư cảng biển Trần Đề nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cho hiện tại và tương lai.
"Đầu tư cho Cảng biển Trần Đề là lựa chọn tối ưu, mang lại hiệu quả", ông Mẫn nói, đồng thời cho biết đây là dự án ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng ĐBSCL; có tính hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành nghề khác cùng phát triển như các khu cụm công nghiệp, tạo ra hành lang kinh tế mới, động lực mới…
Theo phương án quy hoạch, Cảng biển Trần Đề nằm ở ngoài khơi luồng Trần Đề, nối với đất liền bằng cầu vượt biển dài khoảng 18km. Cảng có tổng diện tích quy hoạch khoảng 5.400 ha, phần diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi 1.400 ha; phần diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hoá phía bờ khoảng 4.000 ha.
Riêng phần bến cảng ngoài khơi, theo quy hoạch, sẽ có khoảng đê chắn sóng khoảng 8,3 km (giai đoạn 2030 khoảng 6,1km); phần cầu cảng có 15 cầu/5,5 km (giai đoạn 2030 có 6 cầu/2,2km); cầu dẫn vượt biển dài 18 km. Cỡ tàu tiếp nhận tàu Cont 100.000 DWT, tương lai đến 200.000 DWT; tàu hàng rời đến 160.000 DWT. Công suất thiết kế khoảng 80 - 100 triệu tấn/năm (giai đoạn 2030 sẽ là 30 - 35 triệu tấn/năm).
Cảng biển Trần Đề sẽ dịch chuyển khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của 8/13 tỉnh vùng ĐBSCL gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang và Trà Vinh. Cảng cũng sẽ thu hút hàng hóa trung chuyển cho Campuchia khoảng 5,3 triệu tấn/năm 2030 theo tuyến đường thuỷ nội địa sông Mekong (hiện do các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ đảm nhận).