Không chỉ dạy trẻ rửa tay

TP - Chương trình Giáo dục Vệ sinh Cá nhân (VSCN), Chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho trẻ mầm non không chỉ đơn giản là việc dạy trẻ rửa tay mà còn góp phần thay đổi quan điểm của người lớn về giáo dục mầm non.

Phú Cát tuy là một phường thuộc chốn kinh kỳ (cách chợ Đông Ba, Huế chỉ một cây cầu Gia Hội) nhưng lại là một trong những địa bàn có nhiều hộ vạn đò sinh sống. Do những tập tục, thói quen sinh hoạt của các thế hệ sống trên thuyền lưu lại, các thói quen tốt trong việc giữ vệ sinh cá nhân là điều khá lạ lẫm với không ít người dân Phú Cát.

Với mục đích tạo sự đột phá từ khâu khó khăn nhất nên khi được chọn bảy trường mầm non để triển khai chương trình Giáo dục VSCN, CSSK cho trẻ (Bộ GD&ĐT phối hợp với Quỹ Unilever tổ chức), Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã đưa Phú Cát và nhiều trường đóng ở địa bàn khó khăn khác vào danh sách.

Trước hết, giáo viên của trường được đi dự những lớp tập huấn về kỹ năng thực hành vệ sinh cho trẻ. Từ nhiều nguồn lực khác nhau, trường được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ vệ sinh cá nhân trẻ.

Đặc biệt, trường tổ chức nhiều hoạt động có tính chất tuyên truyền, giáo dục cũng như tác động tới ý thức của cha mẹ học sinh, lãnh đạo chính quyền địa phương về tầm quan trọng của việc hình thành kỹ năng sống tích cực cho trẻ ngay từ tuổi ấu thơ như thực hành vệ sinh cá nhân, bảo vệ môi trường...

Trong chuyến tham quan thực địa nhiều hiệu trưởng đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc và bắc miền Trung đã chụp ảnh lớp học và các công trình vệ sinh của trường Phú Cát để mang về làm mẫu.

Trường này có chưa đến 330 học sinh nhưng số vòi rửa tay cho trẻ lên đến 62 chiếc (đều có máng hứng). Bên cạnh những máng rửa tay là các giá phơi khăn lau tay.

Ngoài ra, trường còn có 5 công trình vệ sinh với 32 bệ xí phù hợp khổ người các bé từ 3 đến 6 tuổi.

Một phụ huynh kể: “Ba hắn ở ngoài về ngồi vô mâm cơm. Hắn (cháu bé học lớp C2 trường Mầm non Phú Cát) la, ba phải rửa tay đã. Ba hắn phủi tay vô quần, hắn nói, không được, ba phải rửa tay bằng xà bông. Quân ni chừ đáo để lắm, mình không theo là hắn không chịu”.

Thay đổi quan điểm về giáo dục mầm non

Chương trình Giáo dục VSCN, CSSK được triển khai từ năm 2007. Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh là những địa phương đầu tiên được chọn để tham gia.

Năm 2008, danh sách này có thêm 5 tỉnh miền núi phía Bắc là Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai và năm 2009 các tỉnh bắc miền Trung (từ Nghệ An vào Thừa Thiên - Huế) tiếp tục khởi động. Chương trình sẽ kéo dài đến năm 2011.

Năm 2010, các tỉnh nam miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận sẽ là những địa phương tiếp theo nhận sự hỗ trợ của chương trình.

Theo nhiều cán bộ phòng Mầm non của các Sở GD&ĐT, ban đầu lãnh đạo các địa phương không mấy mặn mà với chương trình. “Họ nghĩ dự án là tốn nhiều tiền, trong khi tiền tài trợ cho các trường không nhiều. Để giáo dục trẻ có thói quen thực hành vệ sinh cá nhân cũng không cần phải có thật nhiều tiền”. Bà Cao Thị Bích Nhuận, Sở GD&ĐT Quảng Bình chia sẻ.

Từ thành công của những trường được hỗ trợ kinh phí của dự án, nhiều địa phương đã nhân rộng mô hình ra tất cả các trường mầm non trong tỉnh (Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn...).

Một số tỉnh miền núi khó khăn về nguồn nước sinh hoạt được địa phương chi ngân sách để các trường đào giếng. Những nơi không đào được giếng, trường được xây bể chứa nước mưa, phụ huynh đóng góp can nhựa, xô chậu, khoan lỗ, lắp vòi để trẻ có thể dễ dàng rửa tay dưới vòi nước sạch.

Hiệu trưởng một trường mầm non ở Quảng Bình tâm sự: “Theo tôi, cái được nhất của chương trình là tác động đến cách nghĩ của chính quyền địa phương về vai trò của bậc học mầm non.

Trước đó, họ chỉ nghĩ đó là nơi trông trẻ, có làm được gì đó thì cũng chỉ là dạy múa dạy hát. Nhưng khi họ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt như con cháu mình biết rửa tay bằng xà phòng, biết tự đánh răng, hiểu tác dụng của ăn chín uống sôi, vứt rác đúng nơi quy định..., họ mới thấm thía câu ông cha ta nói, dạy con từ thuở còn thơ...”.