Trước đó, khoảng 10h15 ngày 28/1, bà Phạm Thị Thuận (59 tuổi, trú tại huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và có biểu hiện bức xúc, chửi bới, la hét rồi đi sang Phòng Đăng ký đầu vào xin nước uống.
10 phút sau, bà Thuận bất ngờ rút dao thủ sẵn trong người chém vào đầu bà Trần Thị Thu Hiền - cán bộ Phòng Tiếp dân 1 đang làm việc tại đây. Bà Hiền vùng chạy ra ngoài kêu cứu nên lực lượng bảo vệ đã khống chế bà Thuận và đưa bà Hiền đi cấp cứu tại Bệnh viện 103 với vết thương trên mặt dài khoảng 12cm, mất rất nhiều máu. Ngoài vết thương trên mặt, phía sau đỉnh đầu của bà Hiền còn 1 vết chém dài khoảng 8cm.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban Tiếp Công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) khẳng định trong hồ sơ lưu trữ tại Ban Tiếp Công dân Trung ương không có nội dung khiếu nại của bà Phạm Thị Thuận. Tuy nhiên, theo nắm tình hình, hơn 1 tháng nay, bà Thuận đeo bám tại Trụ sở Ban Tiếp Công dân Trung ương và thường xuyên la hét, chửi bới.
Thậm chí một số lần bà Thuận vào Phòng Đăng ký đầu vào để đăng ký gặp các cơ quan của Ban Tiếp công dân Trung ương. Vì bà Thuận không đủ điều kiện theo quy định như không có giấy tờ tùy thân, không có đơn thư khiếu kiện nên cán bộ hướng dẫn ở Phòng Đăng ký đầu vào không cấp phiếu. Những lần này, bà Thuận không tỏ ra bức xúc hay cáu gắt gì và trước khi vụ việc xảy ra, giữa bà Trần Thị Thu Hiền và bà Phạm Thị Thuận không có va chạm gì.
Đáng chú ý, Ban Tiếp công dân Trung ương phát hiện bà Phạm Thị Thuận đã có tiền sự khi đánh Chủ tịch UBND huyện Như Thanh vào năm 1997; chém Trưởng Công an xã nơi mình sinh sống vào năm 2005.
Sau những sự việc gần đây xảy ra ở Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, ông Nguyễn Hồng Điệp đã ký văn bản gửi Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị có biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự cho cơ quan này.