Khởi công nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam

TPO - Dự án nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 204 MW được xây dựng trên vùng diện tích gần 300 hecta với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đi vào vận hành trước tháng 6/2019.  

Ngày 7/7, tại huyện Thuận Bắc, UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group, nhà đầu tư) đã khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại Ninh Thuận. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đến dự và phát lệnh khởi công dự án.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group cho biết dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam có tổng công suất 204 MW.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng được xây dựng trên vùng diện tích gần 300 hecta dự kiến hoàn thành vận hành trước tháng 06/2019.

Quy mô dự án gồm hơn 705.000 tấm pin phân bổ các khu vực trống của trang trại điện gió đấu nối 45 trạm chuyển đổi Inverter và các thiết bị liên quan vào trạm nâng áp; đấu nối, truyền tải điện năng vào đường dây 220 kv Tháp Chàm. Các tấm pin và các thiết bị điện mặt trời phụ trợ của dự án, tổng khối lượng lắp đặt là hơn 60.000 tấn.  

Việc khai thác năng lượng tái tạo quy mô lớn và tích hợp như trang trại điện mặt trời - điện gió sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu đáng kể lượng khí thái nhà kính, lượng phế phẩm từ quá trình sinh nhiệt do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay Nhà máy điện mặt trời Trung Nam là dự án điện mặt trời lớn nhất được kí hợp đồng tính đến tháng 7/2018. Đây cũng là dự án tích hợp năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam tận dụng một khu vực để đặt cột tua-bin khai thác điện gió và tấm pin khai thác điện mặt trời.

Khi đưa dự án vào vận hành, mỗi năm, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 300 triệu kWh cung cấp, bổ sung nguồn điện cho tỉnh Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh

Dự án sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận khi ưu tiên nguồn nhân lực địa phương và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực.

Theo ông Vĩnh, tỉnh Ninh Thuận được ưu đãi những yếu tố tự nhiên đặc biệt để khai thác, phát triển các dự án năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời.

Cụ thể: Tỉ lệ bức xạ mặt trời trực tiếp (DNI) trung bình của khu vực Ninh Thuận luôn cao hơn 4.5 kWh/m2, kết hợp với lượng giờ nắng trung bình ngày không thấp hơn 7.5 tiếng giúp tỉnh này trở thành khu vực tiềm năng khai thác điện mặt trời. 

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay quy hoạch năng lượng tái tạo 2020 và tầm nhìn 2030 đã tạo điều kiện cho Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Quy hoạch này đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt. vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Ninh Thuận phát triển 2.000 MW điện mặt trời. UBND tỉnh đã cấp phép cho 16 dự án với tổng công suất 1600 MW, trong đó có 12 dự án đang triển khai

Tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý: Là một tỉnh nghèo, việc xây dựng nhà máy điện mặt trời tại địa phương này không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động tại địa phương.

Các Bộ Ngành Trung ương và địa phương phải hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển 

Ông Hiển đề nghị chủ đầu tư tập trung phương tiện, máy móc, nhân lực để thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn để sớm hoàn thành, đưa nhà máy vào khai thác.

Trước đó, Công ty cổ phần điện mặt trời Trung Nam đã ký thỏa thuận với công ty Mua Bán Điện (Tập đoàn điện lực Việt Nam) bán điện tại điểm giao nhận với giá 2.086 đồng/ kWh (tương đượng 9.35 US cents/kWh)
Nhà máy điện gió sau khi hoàn thành sẽ có quy mô 34 trụ tua - bin