Khổ vì đu theo USD
> Nhiều người bán USD cho ngân hàng
Từ chuyện mua máy tính, đồng hồ đến thuê mặt bằng, mua căn hộ..., người ta đều lấy USD để tính toán hoặc làm phương thức thanh toán. Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng đôla hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Có rất nhiều lý do giải thích cho việc buôn bán, giao dịch bằng USD, nhưng tất cả đều ngụ ý dùng USD sẽ có lợi hơn.
Bất động sản bằng “đô”
“Chúng tôi đi coi cả thảy 4-5 căn nhà để thuê làm phòng giao dịch, tất cả đều được định giá thuê bằng USD. Cuối cùng chọn được một căn ở P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, giá thuê 1.400 USD/tháng, chủ nhà dứt khoát tính bằng đô!” - một doanh nhân kể. Các chủ cho thuê nhà cho rằng phải định giá theo USD để phòng trường hợp tỉ giá tăng...
Chị Phương, người đang rao bán một căn hộ Saigon Pearl (Topaz 2) với giá 2.000 USD/m2, cho rằng phải bán căn hộ này bằng USD nhằm bảo toàn vốn, do trước đó chị đã mua bằng USD. Trên thị trường bất động sản, phần lớn sản phẩm gắn mác “cao cấp” đều được rao bán hoặc cho thuê bằng USD một cách công khai.
Tại các trang thông tin về bất động sản, các sản phẩm căn hộ như The Vista, The Estella, Saigon Pearl... nhiều người không ngần ngại chào giá bằng USD.
Hiện tượng lạm dụng USD diễn ra khá phổ biến trên thị trường văn phòng cho thuê, từ các cao ốc văn phòng hạng sang như Bitexco Financial Tower, Vincom Tower... đến các cao ốc văn phòng hạng C cũng được chào giá thuê bằng USD.
Tại các báo cáo của một số công ty tư vấn bất động sản như CBRE, Savills..., thông tin về giá bán và cho thuê bất động sản đều được thể hiện bằng USD. Tương tự, các công ty kinh doanh gas cho biết hợp đồng mua gas từ các nhà máy sản xuất trong nước như Dinh Cố hay Dung Quất đều tính theo USD. Ngay trong công thức tính giá, USD cũng được dùng thay vì VND.
Tương tự, quản lý một cửa hàng bán xe thương hiệu Piaggio khẳng định dù trên hợp đồng có ghi hai loại tiền là USD và VND nhưng quyết định giá bán vẫn theo USD.
“Họ tính giá toàn bộ theo USD để phòng khi có điều chỉnh tỉ giá, giá bán sẽ thay đổi theo một cách hợp lý, khỏi phải đàm phán lại...”, người quản lý này nói. Và theo quán tính đó, khi bán từng chiếc xe cho người tiêu dùng, dẫu phương thức thanh toán là VND nhưng các cửa hàng đều đã quy đổi theo giá USD.
Ngay cả học phí tiếng Anh trẻ em cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của USD. Chị Hồng, ngụ ở Q.Gò Vấp, kể học phí cho chương trình học tiếng Anh tại Trung tâm Việt Mỹ tuy đóng bằng VND nhưng được tính toán và quy đổi theo USD.
Sau đợt điều chỉnh tỉ giá vừa rồi, mỗi khóa học hơn 300 USD của con chị phải đóng thêm 200.000 đồng. “Chỉ cách một đêm đóng tiền trễ, tôi phải đóng thêm khoản chênh lệch của tỉ giá USD mới”, chị Hồng nói.
Chẳng liên quan đến yếu tố nước ngoài nào nhưng một số điểm kinh doanh chăm sóc sắc đẹp (spa) cũng thản nhiên niêm yết giá bằng USD. Trung tâm làm đẹp White Lotus trên đường Phùng Khắc Khoan (Q.1) là ví dụ.
Tất cả những dịch vụ kể cả chương trình khuyến mãi, tặng thẻ thành viên đều được tính bằng USD. Thử tham khảo một chiêu tích lũy điểm tại đây: “Chương trình tích lũy điểm 10 USD tương đương với 1 điểm. Khi tích lũy đủ 18 điểm, bạn sẽ được tặng 1 suất massage thư giãn toàn thân trị giá 18 USD...”.
Và... hệ lụy
Nhiều người lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì sự lệ thuộc theo USD. Tháng 7-2009, anh L.Q.C. ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh quán cà phê trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10) với giá 1.000 USD/tháng, tỉ giá 18.500 đồng/USD. Sau ba tháng số tiền anh C. phải trả thêm là 1 triệu đồng vì tỉ giá tăng vọt lên 19.500 đồng/USD.
Một nỗi khổ nữa là hằng tháng anh C. phải mua USD ngoài thị trường chợ đen với giá 22.000 đồng/USD để thanh toán bằng tiền mặt 100% cho chủ nhà. Chỉ trong vòng một năm, riêng khoản tiền chi cho mặt bằng anh phải bù thêm hơn 30 triệu đồng.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng các chủ đầu tư bất động sản thường viện rất nhiều lý do để niêm yết giá bán hoặc giá cho thuê bằng USD. Chẳng hạn nguồn vốn đầu tư là USD do dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài, chủ đầu tư phải tính toán việc bảo toàn vốn và hiệu quả bằng USD...
Một chuyên gia khác cho rằng do đặc thù của lĩnh vực bất động sản, thời gian thanh toán của khách hàng khi mua sản phẩm thường kéo dài 2-3 năm, hợp đồng cho thuê cũng có thời gian kéo dài tương tự, nên việc niêm yết bằng USD sẽ giúp chủ đầu tư ngăn ngừa rủi ro về trượt giá.
Theo ông Bùi Tiến Thắng - phó tổng giám đốc Sacomreal, với việc định giá bán bằng USD, chủ đầu tư đã đạt được mục tiêu đẩy rủi ro về phía khách hàng. Trong rất nhiều trường hợp, hợp đồng mua bán được chủ đầu tư ký với khách hàng thể hiện bằng VND, nhưng giá đã được quyết bằng USD và giá này được làm cơ sở tính toán khoản tiền phải nộp trong các đợt thanh toán của khách hàng.
Do đó, khoản tiền thanh toán thực của khách hàng cho mỗi đợt có thể tăng lên rất nhiều dù tỉ lệ thanh toán theo hợp đồng không thay đổi. Tương tự, trường hợp bất động sản cho thuê, khách hàng cũng là đối tượng chịu rủi ro khi giá cho thuê được tính bằng USD.
Giám đốc một ngân hàng Hàn Quốc tại TP.HCM: Cần có chính sách nghiêm khắc
Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm của Hàn Quốc. Đó là từ những năm 1970-1980, Chính phủ Hàn Quốc đã có chính sách bắt buộc người dân không được nắm giữ ngoại tệ mà phải bán cho ngân hàng. Tất cả các giao dịch buôn bán đều phải bằng đồng nội tệ. Ngay cả những người đi lao động ở nước ngoài khi gửi tiền về cũng phải đổi ra đồng nội tệ tại ngân hàng. Năm 1997-1998
khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhà nước đã vận động được dân chúng bán vàng cho nhà nước. Từ khối lượng vàng này Hàn Quốc đã bán ra ngoài thu ngoại tệ về giúp phát triển kinh tế. Ngoài việc nêu cao tinh thần yêu nước, chính phủ còn thực thi chính sách nghiêm khắc để hạn chế tối đa hành vi găm giữ ngoại tệ.
Theo L.N.M. - H.Đ. - N.B.
Tuổi Trẻ