Kho bạc Nhà nước hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ hướng tới “Kho bạc số”

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ lên mọi mặt của nền kinh tế xã hội và để thiết lập được một nền tảng tài chính số hiện đại hoạt động an toàn, hiệu quả đang thách thức và cũng là xu hướng trên toàn thế giới.

Ngành tài chính nói chung và hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) nói riêng việc chuyển đổi số không chỉ tạo điều kiện cho KBNN tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ kỹ thuật số hiện đại mà còn có tác động tích cực làm thay đổi cách thức tương tác giao dịch giữa các đơn vị sử dụng ngân sách với KBNN, giữa KBNN với các cơ quan, đơn vị một cách tức thời với tính tin cậy cao thông qua các phương thức mã hóa, xác thực mạnh.  Đồng thời ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong hoạt động quản lý và điều hành quỹ NSNN, kế toán nhà nước, ngân quỹ nhà nước… từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân và các đơn vị sử dụng ngân sách.  Đây chính nền móng để hệ thống KBNN xây dựng và triển khai nhiều dự án, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ và công tác quản trị nội ngành, thiết lập một cấu trúc tổng thể CNTT phù hợp với Chiến lược KBNN trong giai đoạn tiếp theo.

Nền hành chính phục vụ trên nền tảng điện tử hóa/số hóa

Với mục tiêu, thực hiện tốt cuộc cách mạng số và hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, KBNN luôn xác định lấy CNTT làm nền tảng xuyên suốt trong việc xây dựng và phát triển KBNN ngày càng hiện đại, hoạt động hiệu quả, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, hướng tới mục tiêu nền hành chính phục vụ trên nền tảng điện tử hóa/số hóa, hướng tới hình thành "Kho bạc số". 

Xác định hiện đại hóa nghiệp vụ trên nền tảng CNTT hiện đại để chủ động hội nhập và phát triển ngành tài chính nói chung, hệ thống KBNN luôn quan tâm chú trọng đầu tư việc xây dựng hạ tầng CNTT là nền móng xuyên suốt của lộ trình phát triển, trên các nền tảng ứng dụng nghiệp vụ chuyên môn vệ tinh xung quanh hệ thống lõi là Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đáp ứng các hạng mục nghiệp vụ theo cấu trúc của hệ thống Chính phủ điện tử (CPĐT) như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; điện tử song phương; liên kho bạc và bù trừ điện tử, DVC trực tuyến và tích hợp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc giá… đảm bảo đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh chóng, chính xác và an toàn, hiệu quả trên hệ thống. 

Việc kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu trên nền tảng điện tử trong lĩnh vực thu NSNN đã được KBNN thực hiện thông qua hệ thống thanh toán của các Ngân hàng TMCP:  Thiết bị chấp nhận thẻ POS BANK; qua hệ thống ATM, Internet banking; Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế, Hải quan; liên kết trao đổi dữ liệu với các cơ quan trong công tác thu, nộp NSNN… thông qua các chương trình ứng dụng nghiệp vụ điện tử trên đã góp phần giảm thời gian thực hiện, giao dịch thu, nộp NSNN, tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và các đơn vị sử dụng NSNN.

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và triển khai hệ thống kho dữ liệu của KBNN nhằm cung cấp nhanh các báo cáo phục vụ điều hành của KBNN và cung cấp dữ liệu cho kho dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính. Mặt khác hệ thống tổng kế toán nhà nước được triển khai và vận hành từ tháng 6/2019 để tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước từng địa phương và toàn quốc nhằm công khai, minh bạch theo chỉ đạo của Chính phủ.

Những năm tiếp theo, KBNN đề ra những phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh hơn các ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN được thực hiện trong môi trường số hóa và trên nền tảng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với các Bộ, ngành, địa phương để hướng tới hình thành “kho bạc số”.

 

Cải cách thủ tục hành chính theo hướng số hoá

Những năm qua, KBNN đã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đổi mới, hiện đại đơn vị ngành, triển khai nhiệm vụ CPĐT và cải cách TTHC theo hướng số hóa (tiêu chuẩn ISO), cơ chế một cửa nhận, trả kết kết quả hồ sơ thông qua các giao dịch điện tử trực tuyến. 

Đầu năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định về TTHC thuộc lĩnh vực KBNN, trong đó quy định Trang thông tin DVC của KBNN là nơi cung cấp các dịch vụ hành chính công thuộc lĩnh vực KBNN cho các đơn vị giao dịch với KBNN trên môi trường mạng tại địa chỉ: http://vst.mof.gov.vn và được tích hợp với Cổng DVC Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

 

Nghị định cũng quy định rõ chi tiết các TTHC đối với các lĩnh vực KBNN như: Thu và hoàn trả các khoản thu NSNN, kiểm soát cam kết chi NSNN.... Từ khi có các quy định TTHC mới, người dân, doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng NSNN dễ dàng tra cứu các thủ tục hành chính có liên quan, qua đó khai thác phục vụ công việc thuận lợi và hưởng lợi từ các chính sách trên là rất nhiều.

Nếu trước kia việc thực hiện kiểm soát cam kết chi NSNN thông qua nhiều thủ tục giấy tờ và nộp tại bộ phận tiếp nhận hồ, thì nay được thực hiện điện tử qua Cổng thông tin DVC trực tuyến của KBNN. Mặt tích cực khi thực hiện công việc trên Cổng thông tin DVC trực tuyến của KBNN, các đơn vị sử dụng NSNN chủ động hơn, trách nhiệm hơn về thời gian, tiến độ với công việc của mình, quan trọng hơn nữa là tính hiệu quả công việc được thể hiện bằng con "số" trên hệ thống đánh giá.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ  tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2020; Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2020. KBNN Việt Nam đã triển khai thành công việc tích hợp, cung cấp Dịch vụ công khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc trên Cổng DVC quốc gia (https://dichvucong.gov.vn) đáp ứng 04 thủ tục hành chính có tần suất giao dịch với khối lượng lớn gồm: (1) Thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước qua KBNN; (2) Thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua KBNN; (3) Thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; (4) Thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp. Như vậy với 04 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN kể trên, KBNN đa dạng hóa hơn nữa các phương thức giao dịch trực tuyến điện tử phục vụ nhân dân và các đươn vị sử dụng NSNN

Trong thời gian tới, cùng với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử và hình thành Chính phủ số, KBNN đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021– 2030 trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, gắn hiện đại hóa các chức năng của KBNN với đổi mới mô hình tổ chức KBNN, hướng tới các thông lệ tốt trên thế giới; đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành tài chính giai đoạn 2021 – 2030 và phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, CNTT sẽ là khâu đột phá, cải cách cơ chế, quy trình nghiệp vụ là nền tảng, trong đó, chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt của quá trình thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030./.