Khi tự sát là tội ở Pakistan

TP - Việc hình sự hóa hành vi tự sát đã khiến những người sống sót buộc phải hối lộ để tránh bị bỏ tù và kỳ thị, nhưng hy vọng rằng hủ luật này sẽ sớm được bãi bỏ.
Tranh nghệ thuật đường phố ở thành phố Rawalpindi, Pakistan

Chỉ khi cảnh sát gõ cửa nhà cô Aatifa Farooqui (*) và đe dọa tống cô vào tù, cô mới nhận ra việc tự sát là bất hợp pháp ở Pakistan. Lúc đầu, cha của cô đã cầu xin các sĩ quan khoan hồng, giải thích rằng con gái ông mới 19 tuổi và đã phạm sai lầm, nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng cảnh sát có một động cơ khác.

Cô Aatifa Farooqui kể: “Điều khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn là cách cảnh sát xử lý vụ việc. Khi đến nơi, họ nói rằng họ được bệnh viện thông báo rằng một người trong nhà tôi đã cố gắng tự sát, và điều đó “không được cho phép” ở Pakistan. Họ nói với cha tôi rằng, con gái của ông sẽ đi tù, hoặc là ông. Cuối cùng cha tôi đã nhượng bộ và hối lộ họ 10.000 rupee (khoảng 3 triệu VND)”.

Cảnh sát đã nhận hối lộ và không tiếp tục điều tra vụ việc. Việc hình sự hóa hành vi tự sát đã tồn tại kể từ những ngày Anh cai trị đất nước này. Điều 325 của bộ luật hình sự Pakistan quy định rằng người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tù một năm, phạt tiền hoặc cả hai. Nhiều bác sĩ và học giả cho biết việc hình sự hóa hành vi tự sát khiến việc xác định chính xác mức độ phổ biến của nó và tỷ lệ mắc các bệnh tâm lý rất khó. Số lượng tiền án đã xảy ra cũng không rõ, mặc dù nó được phỏng đoán là rất ít. Cảnh sát, cũng như nhân viên bệnh viện, hầu hết đều sử dụng luật này để đòi hối lộ từ những người sống sót và gia đình họ.

Ngoài ra những người sống sót còn bị kỳ thị. Giáo sư Khan cho biết, sự kỳ thị có thể nặng nề đến mức chỉ một thành viên gia đình mắc bệnh tâm lý cũng có thể dẫn đến việc cả gia đình bị tẩy chay. “Để vụ việc không bị báo cáo, đó là lúc hành vi hối lộ xuất hiện. Tôi có rất nhiều bằng chứng cho thấy hiện tượng này đang diễn ra”. Ông cho biết thêm, hầu như người nghèo luôn là đối tượng dễ bị tống tiền nhất. Những người có tiền có thể đến các cơ sở tư nhân để điều trị, nơi nhân viên sẽ cam kết giữ bí mật.

Bác sĩ Summaiya Syed là trưởng bộ phận pháp lý y tế tại trung tâm y tế Jinnah ở thành phố Karachi, một trong những bệnh viện lớn nhất của đất nước. “Tôi đã thấy cách những nỗ lực tự sát bị coi là một nơi kiếm tiền dễ dàng”, bà nói. “Việc hình sự hóa phải được ngăn lại”. Bác sĩ Syed tin rằng những người có ý định tự sát cần được hỗ trợ. “Thay vì đáp lại lời cầu cứu của họ, chúng ta lại đang trừng phạt họ”, bà nói. “Thay vì giới thiệu họ đến một nhà tâm lý học, chúng ta lại đang ném họ cho những con sói. Tại sao chúng ta lại làm việc này?”.

Tuy nhiên, giờ đây, một dự luật nhằm ngưng hình sự hóa hành vi tự sát đã được thượng viện thông qua, và sẽ sớm được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Nếu được thông qua, nó sẽ được trình lên tổng thống Pakistan để phê duyệt và trở thành luật.

Dự luật vấp phải một số phản đối, chủ yếu từ Bộ Nội vụ - chịu trách nhiệm về lực lượng cảnh sát - bởi họ tuyên bố luật hiện hành bây giờ có tác dụng răn đe. Nhưng ông Taha Sabri, nhà sáng lập Taskeen, một tổ chức sức khỏe tâm lý ở Pakistan cho biết: “Chúng tôi nghi ngờ cảnh sát đang thu nhiều tiền từ việc tự sát. Có ý kiến phản đối dự luật này vì họ sợ mất một nguồn doanh thu đáng kể”.

Nếu điều 325 được bãi bỏ, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể báo cáo các ca nỗ lực tự sát mà không phải lo sợ bệnh nhân của họ bị truy tố. Ông Sabri cho biết nó cũng có thể cho phép những người sống sót tìm kiếm hỗ trợ. Các cuộc thảo luận tại quốc hội gần đây cho thấy một thái độ dần đổi thay. “Đây là lần đầu tiên vấn nạn tự sát được nhắc đến nhiều như vậy... Luật mới này, nếu được thông qua, sẽ mở ra nhiều hy vọng mới cho tương lai”.

Hiện cô Farooqui đã kết hôn. Cô đã kể quá khứ của mình cho chồng và những người bạn thân, nhưng với họ hàng thì không. “Họ sẽ chế giễu tôi và gia đình tôi, hoặc gọi tôi là kẻ điên”, cô nói. “Những nỗ lực tự sát không nên bị coi là một tội. Những người tìm đến nó nên được giúp đỡ và an ủi, chứ không phải bị cảnh sát làm cảm thấy tồi tệ hơn”.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi