Khi phim Việt né 'bom tấn'

TP - Cứ tưởng đầu tháng 9 là dịp các phim “bom tấn” mùa hè của nước ngoài đã nguội bớt sức nóng nên Hãng phim truyện VN dự định chọn thời điểm này để phát hành Vũ điệu tử thần...

>> 20% phim nội trên màn ảnh: Nhiệm vụ bất khả thi

Áp phích phim Cú và chim Se Sẻ

Đừng tưởng nhà sản xuất phim đã có thể yên tâm với sự hỗ trợ của Nghị định 96/2007/NĐ-CP về điện ảnh trong đó Điều 14 quy định giờ chiếu phim và tỷ lệ phim VN trên hệ thống rạp.

Cho dù quy định là tỷ lệ phim VN phải chiếm ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu… nhưng lượng phim Việt chưa sản xuất đủ để cung cấp cho các rạp.

Hơn thế, dù được ưu ái vào giờ vàng (18-22 giờ trong ngày) thì lúc nào cũng ngay ngáy lo né phim “bom tấn” của nước ngoài sầm sập đổ về.

Cứ tưởng đầu tháng 9 là dịp các phim “bom tấn” mùa hè của nước ngoài đã nguội bớt sức nóng nên Hãng phim truyện VN dự định chọn thời điểm này để phát hành Vũ điệu tử thần.

Ai ngờ nhìn lượng phim sẽ nhập về khi ấy sức hút còn… choáng hơn nên cuối cùng Hãng đã thương lượng được với một số chủ rạp đưa Vũ điệu tử thần ra mắt khán giả TP HCM vào 17/8. Hà Nội sẽ xem phim này sau khoảng một tháng, cũng là muốn né đợt “bom tấn” đầu tháng 9.

Nhưng đúng là “bom tấn” vẫn cứ rải khắp khiến cho việc tránh né chỉ là tương đối, theo lịch đã định, Vũ điệu tử thần sẽ có khoảng 2 tuần để trụ rạp trước khi cậu bé phù thủy Harry Potter và Hội Phượng Hoàng xuất hiện vào 31/8 cùng lúc Giờ cao điểm 2 và thêm áp lực trước đó của Bộ tứ siêu đẳng 2 (phát hành tại TP HCM từ 10/8).

Thêm một cái khó cho phim Việt, rạp đã xếp lịch rồi nhưng số lượng bản in phim thường quá ít, không đủ rải đồng loạt cả nước. Vũ điệu tử thần lần này chỉ có khoảng 5 bản, chiếu thăm dò nếu thấy khán giả thích mới in thêm… 1 bản nữa để tiến vào hệ thống rạp Megastar ở Hải Phòng.

Lâu nay phát hành phim Việt vẫn dựa trên sự cảm thông: Cố gắng thu xếp lịch chiếu phù hợp nhất giữa nhà sản xuất phim trong nước và chủ rạp  chứ thực tế các rạp chiếu chất lượng tốt ở Hà Nội, TP HCM chẳng mấy khi nhàn rỗi.

Hiểu thấu điều này nên Hãng phim Hội Nhà văn quyết định đánh “du kích”, tức là chiếu Hà Nội, Hà Nội ở các tỉnh và theo hệ thống phát hành phim của quân đội trước, sau đó mới tính chuyện đem về Hà Nội, TP HCM.

Lúc này 10 bản phim nóng hổi đang được GĐ Hà Phạm Phú mang từ Lào Cai về Hà Nội bằng đường tàu lửa (từ Hãng phim Vân Nam của Trung Quốc chuyển sang).

Dự kiến tuần tới, bộ phim vừa đoạt Cánh diều vàng này sẽ chiếu ở Hưng Yên trước, nhà văn Hà Phạm Phú khoe Trung tâm phát hành phim Hưng Yên cũng vừa mua phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông để chiếu phục vụ bà con trong địa bàn tỉnh.

Phát hành phim Quân đội vốn đã có hệ thống chiếu rộng khắp từ quân đoàn cho tới tận các địa phương vùng sâu vùng xa nên Hãng phim Hội Nhà văn bán 8 bản phim Hà Nội, Hà Nội cho đơn vị này cũng là một cách đảm bảo độ an toàn cao!

Vẫn đang có cách né “bom tấn” nước ngoài một cách hiệu quả nhất, đó là mùa phim Tết. Làm phim kiểu chạy theo thời vụ này cũng thường chủ yếu hãng phim tư nhân mạnh vốn mới dám làm.

Từ hồi tiên phong làm phim hài Tết này ai đến xông nhà chiếu Tết, cũng đã 5 năm Hãng phim truyện VN không tham gia mùa vàng này. Năm nay nghe nói đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã hoàn thành kịch bản phân cảnh Đông-ki-sốt tân thời để làm phim chiếu Tết nhưng đang phải kêu gọi thêm các nhà đầu tư mới đủ kinh phí sản xuất.

Nghị định 96 có thể đem lại một số lợi thế cho phim Việt nhưng quyết định đưa phim vào chiếu thời điểm nào trong năm là quyền của chủ rạp, hơn nữa rất khó bắt ép được các rạp cổ phần.

Hãng phim Chánh Phương dự kiến mùa Noel năm nay sẽ phát hành Cú và chim Se Sẻ (phim hợp tác, đạo diễn Stephane Gauger, các diễn viên: Cát Ly, Lê Thế Lữ…), nghe nói phim kinh dị Mười (hợp tác với Hàn Quốc) cũng định chiếu dịp này. Quá ít rạp chiếu vẫn là nỗi lo chung và chắc chắn không thể né được phim “bom tấn” ngoại lại tiếp tục… nổ trong mùa Noel.