Khi giới trẻ 'mặc kệ'

TPO - Thời gian gần đây, hàng loạt video clip về bạo lực học đường, nữ sinh đánh nhau…, được tung rộng khắp trên internet, đây có phải là sự “báo hiệu” cho sự xuất hiện một 'chủ nghĩa mới'- 'chủ nghĩa Mặc-Kệ-Nó' (makeno)!?

Khi giới trẻ 'mặc kệ'

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Flickr

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã quá quen thuộc với chuyện mỗi ngày lên mạng (internet) lại thấy xuất hiện những bài báo viết về việc bạo lực ở giới trẻ hay vài đoạn video với nội dung tương tự được tung rải khắp các trang mạng xã hội, blog…

Nhiều diễn đàn về những vấn đề nóng bỏng này cũng rộn lên, các chuyên gia tâm lý cũng “xì xầm”. Rồi một ngày nào đó bạn sẽ cảm thấy ngán ngẩm khi bắt gặp những tin tức như vậy, lắc đầu xua tay, cảm thấy những việc đó giống như “chuyện thường ngày”, và bảo: “Mặc-kệ-Nó”!

Tôi không có ý muốn nói rằng: chúng ta bất lực vì không làm thuyên giảm được vấn đề đang xảy ra. Nhưng tôi muốn nói: chúng ta không được để vấn đề thành “chuyện thường ngày” được.

Nhìn những đoạn video như trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự vô cảm của những người xung quanh khi thấy bạn mình đánh nhau. Không có hành động can thiệp mà còn quay phim, chụp hình lại và tung lên mạng(?!) Đôi lúc còn cổ vũ, giúp bạn đánh hội đồng nữa.

Dường như một phần giới trẻ đã coi đó là 'mốt' và  có một  phong trào “đánh bạn để quay và tung lên mạng”. Họ cũng coi vấn đề này là “chuyện thường ngày”,không có gì to tát cả(?!).

Vì chính bản thân những người trẻ này bất lực với chính họ, cho nên tâm lý chung của những người này là: theo số đông để thấy mình không quá lẻ loi, chuyện ai người nấy lo, mình cũng chẳng thay đổi được gì cả, và sợ mang họa vào thân, an phận cho chắc.

Phải chăng nhiều bạn trẻ chưa đủ kĩ năng để phân biệt hết tốt -xấu, cho nên lầm tưởng và dễ buông thả. Đây cũng là những yếu tố cần thiết để chủ nghĩa makeno phát triển.

Đừng để giới trẻ cũng như xã hội chúng ta bị tổn thương bởi 'chủ nghĩa makeno'. Chúng ta cần có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, loại bỏ 'chủ nghĩa makeno' ra khỏi cuộc sống như: trang bị kĩ năng sống, tạo ra sân chơi cho các bạn trẻ, hạn chế những mặt tiêu cực của xã hội, thiết lập kỷ luật học đường chặt chẽ hơn,…

Minh Tài
Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP. Hồ Chí Minh

Theo Viết