Khi đàn ông làm… ‘vợ’
> "Cô bé" nhỏ lại vì thiếu "yêu"
> Quan hệ bằng miệng dẫn tới ung thư họng
Đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp, câu nói ấy đã thể hiện sự phân chia gần như là mặc định về vai trò của chồng và vợ trong mỗi gia đình. Thế nhưng, cuộc sống muôn màu vẫn chứa nhiều câu chuyện “đổi vai” kì lạ...
Chuyện tình của anh Nguyễn Văn Trầm (49 tuổi) và chị Phạm Thị Lâm (48 tuổi) đã trở nên nổi tiếng ở Hải Dương nhiều năm nay. Kì lạ, bởi họ không phải là một cặp vợ chồng đồng tính thông thường, mà là “đồng tính trái dấu”. Nghĩa là, họ vẫn là một cặp nam-nữ, nhưng anh Trầm là người nữ bên trong cơ thể nam giới, còn chị Lâm ngược lại.
Từ nhỏ, anh Trầm đã phát hiện ra bên trong mình là một cô gái. Càng lớn dần, nữ tính bên trong càng phát triển, anh càng mặc cảm và khép kín, lớn rồi vẫn không nghĩ đến chuyện yêu đương.
Chị Lâm cũng trong tình trạng tương tự, vì thế mà tuổi đã “cứng” vẫn chưa có gia đình. Thấy con trai lớn tuổi mà vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình, có con nối dõi, cha anh Trầm sốt suột, ép con cưới vợ. Ông tìm người mai mối cho con trai, và ưng ý với cô Lâm ở xã bên.
Đám cưới diễn ra chóng vánh. Cưới nhau về, họ vẫn ngủ riêng, dè chừng nhau và giấu kín bí mật của mình. Thế rồi theo thời gian, mọi thứ cũng lộ ra, bỡ ngỡ, ngạc nhiên và cả mừng rỡ. Rồi họ thỏa thuận “đổi vai” cho nhau, anh Trầm đảm nhận vai trò người vợ trong nhà, còn chị Lâm là chồng, xưng hô cũng đảo ngược.
Ban đầu bà con làng xóm dị nghị, nhưng sau rồi cũng quen và thông cảm, mặc nhiên chấp nhận sự lạ của vợ chồng họ. Họ cũng sinh con đẻ cái, và các cháu cũng không thấy mặc cảm về gia đình mình. Sau 25 năm kết hôn, có với nhau ba mặt con họ vẫn chung sống với nhau cực kỳ hạnh phúc và đã công khai giới tính thật.
Không đến mức đổi vai, đổi luôn cả giới tính như vợ chồng anh Trầm chị Lâm nói trên, nhiều cặp vợ chồng chỉ “đổi” trên phương diện trách nhiệm gia đình.
Từ nhiều năm nay, người ta thấy anh Lữ Minh Thành, Trảng Dài, Đồng Nai đảm nhận chuyện “hậu phương”. Anh ở nhà chăm con, nuôi heo, nuôi gà, để chị Trần Thị Thúy, vợ anh đi rẫy.
Mùa nắng, mùa mưa, chị xăm xăm lên trông rẫy, vun đất, phun thuốc, tưới nước, một tay chị làm cả, tới ngày thu hoạch bận rộn quá thì thuê thêm vài công thợ. Còn anh Thành, tuyệt đối không bén mảng đến rẫy, chỉ ở nhà nấu nướng, chăm sóc hai đứa con mới 5, 7 tuổi, rồi thái rau, cho heo ăn, tắm heo, quét tước dọn dẹp nhà cửa.
Người không biết thì chê anh “đàn bà”. Thế nhưng, đằng sau cuộc đổi vai của vợ chồng nhà họ lại chứa cả một câu chuyện khá cảm động.
Vốn trước kia, chị Thúy làm những công việc mà giờ đây anh Thành làm, còn anh Thành không kém xông xáo, rẫy bắp của anh tươi tốt và năm nào cũng thu hoạch khá. Chuyện làm ăn đang yên ổn, khấm khá thì một lần, đi rẫy về khuya, ngang qua con suối, đúng lúc nước chảy siết, anh bị cuốn trôi, may mà túm được tấm gỗ mục nên sống sót. Phải hơn một ngày thì mọi người mới tìm thấy anh đang lả người, sắp chết vì lạnh và đói.
Sau đận ấy, phần vì mất sức, phần vì tâm lý hoảng sợ, nên từ đó anh không dám bước chân lên rẫy nữa, có cố đi nửa đường thì đến nơi tay chân bủn rủn chẳng làm được gì. Mất cả năm trời vợ chồng chỉ quanh quẩn ở nhà nuôi lợn, kinh tế sa sút, con lại đang lớn.
Cuối cùng chị Thúy đành phải tự mình lên rẫy, giao việc nhà lại cho chồng. Ai chê chồng chị, chị không chịu, nói là do ảnh bệnh nên không làm rẫy được, thì tui làm. Ảnh làm việc nhà còn cực hơn tui đi rẫy đó chứ. Dần dà rồi mọi người cũng quen, và cuộc sống anh chị cũng ổn định, khá dần lên, nên chẳng ai còn thắc mắc nữa.
Tất nhiên, không phải cuộc đổi vai nào cũng đem đến những điều tốt đẹp cho gia đình. Không ít cặp vợ chồng lục đục, thậm chí chia tay chỉ vì đổi vị trí, trách nhiệm cho nhau. Nguyên nhân là bởi sự thiếu cảm thông và tế nhị hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc cùng xây dựng gia đình.
Như chuyện chị Vân Thanh (Gò Vấp, TP.HCM). Chị Vân thấy chồng đi làm lông bông, lương không đủ tiêu xài, chị khuyên chồng ở nhà luôn để chăm sóc nhà cửa, con cái, vì chị là chủ hai cửa hàng buôn sữa đắt khách ở khu vực Gò Vấp. Sợ chồng buồn, chị mở một cửa hàng nho nhỏ tại nhà để anh bán cho vui, có thu nhập. Chị thuê người đứng bán đàng hoàng, anh chồng chỉ việc thu tiền, coi ngó con cái, hướng dẫn osin làm việc nhà.
Ai dè, sau sáu tháng đầu kết toán, chị phát hiện ra cửa hàng chỉ toàn chi chứ không có thu. Sữa nhập nhiều, nhưng tiền thì âm cả vốn lẫn lãi. Hóa ra, cửa hàng bán được, tiền rủng rẻng trong tay, anh lâm vào cá độ, tiền nợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Không những vậy, anh lại còn sinh chứng có thêm cô bồ nhí, tiền dư bao nhiêu chu cấp hết. Và tất nhiên chẳng dành chút thời gian nào trông con, chăm sóc nhà cửa như chị mong muốn.
Cuộc đổi vai bất thành, gia đình họ cũng tan vỡ luôn.
Đổi vai, hay hay dở, tốt hay xấu, chung quy lại đều là do cách hành xử của mỗi người.
Theo Minh Thảo
Pháp Luật Việt Nam