Khí cười có thể dẫn tới ngất xỉu, đau tim

TP - Hiệp hội Chính quyền địa phương (LGA), cơ quan đại diện cho khoảng 400 hội đồng chịu trách nhiệm về y tế công cộng ở Anh, vừa cảnh báo về sự nguy hiểm của việc hít “khí cười”. 

Khí cười là hợp chất hóa học N2O, được bơm vào bóng bay; người dùng hít vào có cảm giác tê tê, phấn khích, cười thoải mái. Một lượng lớn chất khí gây cười này đã và đang bị tịch thu trên khắp nước Anh, dù việc hít khí này không phải là bất hợp pháp. 


LGA ước tính, khoảng 500.000 thanh niên Anh thường xuyên hít khí cười. LGA cảnh báo rằng, việc thường xuyên hít N2O có thể dẫn tới thiếu hụt ôxy, dẫn tới tụt huyết áp, ngất xỉu, thậm chí lên cơn đau tim. LGA cũng cảnh báo rằng, việc dùng khí cười lâu dài có thể gây ra bệnh thiếu máu, tắc tủy xương và ngộ độc hệ thần kinh trung ương. 

Bà Marolin Watson công tác tại Hope UK (tổ chức nâng cao nhận thức về chất kích thích) nói rằng, việc sử dụng khí cười có thể khiến người dùng thử loại chất kích thích nguy hiểm hơn. Bà nói: “Người ta có xu hướng bị cám dỗ dùng chất kích thích trong thời gian dài. Điều này thực sự làm gia tăng nguy cơ bị ngạt hoặc người dùng có thể gặp tai nạn khi họ bất tỉnh”.


LGA quan tâm hơn tới vấn đề thanh niên giải trí bằng khí cười, sau khi các clip hướng dẫn sử dụng xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Một số clip thể hiện cảnh trẻ em hít khí cười. Bà Katie Hall, Trưởng Ban sức khỏe cộng đồng của LGA, nói: “Thật là đáng lo ngại khi chất kích thích này vẫn được nhiều người coi là an toàn, trong khi nó có khả năng gây nguy hiểm ở mức độ cao”. 

Bà Hall khẳng định: “Người dùng khí cười phải hiểu được khí cười có tác hại như thế nào. Loại khí này có thể giết người”. Bà cũng kêu gọi các đơn vị liên quan internet, mạng xã hội tăng cường trách nhiệm bằng cách cung cấp cảnh báo sức khỏe và các đường dẫn tới các chương trình nâng cao nhận thức về chất kích thích. LGA đã phân phát các tờ rơi về sự nguy hại của việc hít khí cười. Chương trình này chủ yếu nhằm vào học sinh ở các trường học và thành viên các câu lạc bộ thanh thiếu niên.

Theo Theo BBC