“Đi thi là để cho biết khả năng của mình như thế nào, chứ thi đậu rồi em không biết lấy gì để ăn học”, Đỗ Thị Nhung mở đầu câu chuyện với đôi mắt rớm ướt.
Số phận nghiệt ngã ập xuống gia đình khi Nhung chưa đầy ba tháng tuổi. Một lần đi làm rẫy về, ba Nhung là ông Đỗ Út bị lũ cuốn trôi không tìm thấy xác. Mẹ Nhung vốn đau ốm kinh niên, vì quá đau buồn chưa đầy hai mươi ngày sau khi chồng mất cũng từ biệt cõi đời. Bốn anh em Nhung bỗng chốc trở thành mồ côi.
Không còn nơi nương tựa, mấy anh em dắt díu nhau từ vùng kinh tế mới Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) về sống nhờ nhà người bác Đỗ Sừng, người bác ruột ở làng An Mô, xã Triệu Long (Triệu Phong, Quảng Trị).
Được bác hết lòng yêu thương nhưng hoàn cảnh nhà bác với tám đứa con nên cũng quá khó khăn chỉ đủ sức nuôi người anh cả và Nhung. Hai người anh còn lại của Nhung đành phải đi ở nhờ nhà người bà con khác trong làng.
Suốt cả quãng đời thơ dại của Nhung là những ngày được bác bồng đi bú nhờ sữa của các sản phụ trong làng. Lớn lên không biết đến bàn tay chăm sóc của cha mẹ, mấy người anh của Nhung không đủ điều kiện để đi học, chỉ có Nhung được bác cho đến trường.
“Chừ hắn đậu, chưa biết tính răng hây”
Nghèo khổ từ bé nhưng, suốt 12 năm liền, Nhung là học sinh xuất sắc. Lớp 5 em đoạt giải khuyến khích toàn tỉnh cả văn lẫn toán, lớp 9 đoạt giải nhì thi kiến thức vật lý, và giải nhất thực hành vật lý toàn tỉnh, đến lớp 12 đoạt giải ba môn vật lý toàn tỉnh.
Nhắc đến thành tích này, Nhung thoáng buồn: “Em đi học không phải chỉ cho riêng mình mà còn học thêm phần của các anh, học để trả ơn cho hai bác”.
Cũng do cuộc sống khó khăn vất vả từ nhỏ nên Nhung đã rèn luyện cho mình thói quen thức khuya dậy sớm. Với Nhung, mùa đông cũng như mùa hè, sáng nào cũng thức dậy lúc 3 giờ sáng vừa băm bèo nấu cám lợn vừa tranh thủ học bài.
Kỳ thi vừa qua Nhung đậu điểm cao hai trường Đại học Y khoa Huế (21,5 điểm) và Kinh tế Đà Nẵng (24 điểm), rồi đậu luôn Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị với 26 điểm.
Bà con chòm xóm vào ra hỏi thăm, chúc mừng, nhưng ông Đỗ Sừng - bác ruột của Nhung cũng chỉ biết ngậm ngùi: “Chừ hắn đậu mà tui chưa biết tính răng đây”.
Bà Ngô Thị Tam, vợ ông Sừng, nhìn theo ông bước bần thần ra sân thở dài: “Nhà chỉ có hai sào ruộng may ra chỉ đủ ăn, mấy anh em khác của con bé không được ăn học nên chỉ ở nhà đi phụ hồ. Ông nhà tui thì đã 76 tuổi”.
Đúng lúc đang trò chuyện thì từ ngoài sân một thanh niên áo quần xộc xệch, ánh mắt nhìn ngây dại, xồng xộc đi vào. Nhìn thấy người lạ anh ta lẳng lặng bỏ xuống bếp không nói năng gì.
Nhung nhìn theo nói như thanh minh: “Đó là anh trai thứ hai của em. Hai năm trở lại đây không biết răng tự nhiên anh ấy bị thần kinh, chạy chữa mãi mà không khỏi”.
Rời An Mô trong buổi chiều muộn, tôi cứ tự hỏi, hành trình đến giảng đường đại học của Nhung liệu có quá xa xôi?
Mong mỏi nhận được tấm lòng từ những bậc hảo tâm gần xa chung tay giúp cô bé mồ côi Đỗ Thị Nhung được đến giảng đường.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về ông Đỗ Sừng (làng An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị); hoặc thông qua Ban Đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung (19 Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng. ĐT: 05113 828039).