Khát khao cống hiến, nâng tầm vị thế đất nước

TP - Tại tọa đàm với các đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018 họ đã có những chia sẻ, câu chuyện truyền cảm hứng về một thế hệ trẻ giàu khát khao, hoài bão, luôn nỗ lực hết mình vươn lên chinh phục những đỉnh cao, hướng tới mục tiêu chung: “Tự tôn dân tộc”.
Ðại diện báo Tiền Phong chào mừng các đề cử đến dự buổi tọa đàm. Ảnh: Như Ý

Với cầu thủ Nguyễn Quang Hải, Lê Đình Hiếu, Nguyễn Phương Thảo hay Thượng úy Tạ Văn Cường, thành công với họ là để ghi dấu ấn tên Việt Nam trên trường quốc tế, để bạn bè năm châu thấy rằng người Việt Nam kiên cường, thông minh không thua kém bất cứ ai.

Tự tôn dân tộc là động lực phấn đấu

Anh Lê Đình Hiếu, sáng lập Học viện đào tạo phương pháp tư duy và kỹ năng sống G.A.P và dự án Hear.Us.Now dạy tiếng Anh, Tin học cho người khiếm thính (đề cử lĩnh vực hoạt động xã hội) chia sẻ: “Nhiều người đặt câu hỏi muốn thay đổi đất nước thì phải làm thế nào? Tôi đã cố gắng học giỏi và kiếm học bổng đi du học”. Tuy nhiên, khi du học, Hiếu gặp một cú sốc, đó là lúc đi thuê nhà ở. Mọi thứ đã xong xuôi cho đến lúc kí hợp đồng, chủ nhà biết anh là người Việt Nam không cho thuê nữa. Họ lý giải, vì nhiều người Việt Nam quỵt nợ, không giữ gìn nhà thuê...

“Khi về nhà, tôi khóc rất nhiều nhưng người anh mà tôi ở cùng phòng không nói gì hết và cho tôi một tờ giấy chỉ ghi một câu: “Tài sản lớn nhất của tôi là nỗi nhục nước nghèo”. Tờ giấy đó, tôi dán ở bàn học suốt những năm ở Mỹ và ở bàn làm việc cho tới tận bây giờ”, anh Hiếu kể và cho biết đó là động lực để sau 4 năm anh tốt nghiệp thủ khoa đại học tại Mỹ. Anh là người được đọc bài phát biểu trong lễ tốt nhiệp, anh nhắc lại câu nói đó trước bạn bè quốc tế.  “Mỗi ngày khi tôi đi học, tôi suy nghĩ đến câu chuyện duy nhất là dân tộc mình chưa được đánh giá cao trên thế giới, nếu mình học dốt, nếu không đứng đầu lớp thì không ai nhìn nhận”, CEO Học viện G.A.P chia sẻ. .

Đại học nơi anh theo học tại Mỹ nhận anh ở lại làm giảng viên nhưng anh quyết định trở về Việt Nam, khởi nghiệp bằng con đường giáo dục với mong muốn tạo nên sự thay đổi về tư tưởng giáo dục trong cộng đồng. Đặc biệt là hướng đến đối tượng trẻ em vùng sâu, vùng xa, người khiếm thính, khuyết tật. Hơn 10 năm qua, anh đã truyền cảm hứng học bằng đam mê, và tạo sự thay đổi tích cực cho hàng ngàn bạn trẻ.

Khi được nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, hỏi, động lực nào để em đạt được những thành tích xuất sắc vậy, “cô gái vàng” Olympic Sinh học quốc tế, thí sinh có điểm thi cao nhất thế giới (98,13/100 điểm) Nguyễn Phương Thảo trả lời: “Động lực quan trọng nhất mình là 1 trong 4 đại diện cho Việt Nam thi Sinh học quốc tế, sánh vai cùng các nước như: Trung Quốc, Singapore... đó là những nước có nền kinh tế, nền Sinh học phát triển”. Lòng tự tôn dân tộc đã giúp Thảo bứt phá chinh phục được đỉnh cao Olympic Sinh học quốc tế.

Thảo kể, trước đó, năm 2017 đoạt HCB Olympic Sinh học quốc tế đầy tiếc nuối, vì điểm thực hành không được tốt. Năm 2018, em được các giáo viên tạo điều kiện thực hành tại các phòng thí nghiệm của trường nhiều nên đã cân bằng được điểm lý thuyết và thực hành. Nhờ đó, đạt được thành tích như mong đợi. “Tôi rất tự hào, vì với thành tích của bản thân, Việt Nam không bị gọi là “vùng trũng về Sinh học” nữa”, Phương Thảo bày tỏ niềm vui và cho biết bản thân cùng với các bạn trẻ từng tham gia Olympic quốc tế môn Sinh học lập trang web dành cho các bạn yêu thích sinh học trên toàn thế giới, nhằm thay đổi cách nhìn của các bạn về môn Sinh học.

Cống hiến hết mình

Nói về tinh thần của đội tuyển Việt Nam, cầu thủ Nguyễn Quang Hải kể về những lần “khích quân” của HLV Park. Ông chính là người truyền cảm hứng cho các cầu thủ. “Ông luôn nói với chúng tôi rằng, người Việt Nam không thua kém bất cứ ai cả. Ông luôn nhắc về tinh thần của người Việt Nam khi đã trải qua những cuộc chiến tranh và thời kì khó khăn của đất nước mà chúng ta đã vượt qua. Ông cởi bỏ cho từng cầu thủ sự tự ti và khích lệ tinh thần dám làm, tự tin vào bản thân”, Quang Hải chia sẻ.

Với suy nghĩ mình có thể làm được, có thể chiến thắng, dám chơi, dám thể hiện hết khả năng của mình đã giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua được các đối thủ và giành được những thành tích làm nức lòng người hâm mộ thời gian qua.

Ðối mặt hiểm nguy

Thượng úy Tạ Văn Cường được coi là “khắc tinh” với tội phạm ma túy, lập nhiều chiến công trong các chuyên án, tiêu biểu như chuyên án 18TN, 19TN truy bắt nhóm tội phạm về ma túy ở bản Tà Dê (xã Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La).

Lĩnh vực phòng chống ma tuý là một trong những lĩnh vực nguy hiểm nhất. Tội phạm lĩnh vực này rất manh động, liều lĩnh và hoạt động ngày càng tinh vi trên địa bàn biên giới phức tạp, tuy nhiên, Thượng úy Cường cho biết anh và đồng đội luôn xác định tư tưởng vững vàng, kiên định vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đằng sau những chiến công là cả một quá trình đấu tranh giữa gian khó, hiểm nguy. Anh kể phá được những chuyên án ma túy lớn như 18TN, 19TN, bản thân anh đối mặt không ít hiểm nguy đe dọa tính mạng khi được giao nhiệm vụ trinh sát. Anh được giao nhiệm vụ nằm khu vực biên giới, trinh sát nắm toàn bộ tình hình đối tượng từ biên giới, từ cách thức hoạt động, số lượng hàng hóa, vũ khí mang theo… Thậm chí, có những chuyên án, anh phải nhập vai, nằm sâu vào sào huyệt của đối tượng ma túy, nắm rõ mọi đường đi nước bước của đối tượng.

Khát vọng đổi thay

"Tôi xin đưa ra ba số liệu. Việt Nam có 3 triệu người câm điếc, phần lớn mới học đến lớp 5. Mỗi giờ có ít nhất 1 trẻ em đang chết vì lí do có thể phòng tránh được như đuối nước, dịch tả... vì các em không được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng tránh. Hàng trăm nghìn cử nhân mỗi năm thất nghiệp. Tôi đứng đây, tại chương trình giao lưu này với hy vọng là đại diện cho những người làm giáo dục cố gắng đưa những con số này về số 0". (Lê Đình Hiếu).

May mắn là do bạn tạo ra

“Trong một kỳ thi để đạt được “Vàng” bạn phải rất giỏi, nhưng để đứng được vị trí đó cũng phải có rất nhiều may mắn. Tôi từng đọc cuốn sách rất yêu thích có tên “Bí mật về may mắn”, trong đó viết may mắn không thể là một điều tự nhiên có, mà do bạn đã tạo đầy đủ điều kiện để may mắn đến. Tôi đã cố gắng hết sức, đã tạo đầy đủ mọi thứ rồi, cuối cùng thì may mắn cũng mỉm cười (thành tích HCV Olympic Hóa học Quốc tế, với số điểm cao nhất - PV). (“Cô gái vàng” Olympic Hóa học Nguyễn Phương Thảo).

Không bao giờ bỏ cuộc

“Trong các trận đấu phải bước vào hiệp phụ, chúng tôi luôn đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta đã cố gắng 90 phút rồi thì chỉ còn 30 phút nữa mà mình lại bỏ cuộc? Khi ở Thường Châu (Trung Quốc) do thời tiết lạnh nên mỗi khi ra sân tập, các cầu thủ co hết người. Lúc đó, HLV Park nói, nếu mình nghĩ lạnh thì nó sẽ lạnh, còn nếu nghĩ không lạnh thì sẽ thấy bình thường và ra sân với một tâm thế hoàn toàn khác. Chính vì vậy, chúng tôi luôn ra sân với tinh thần mạnh mẽ, thoải mái. Hơn nữa, thực tế trên sân có nhiều khó khăn hơn thế và mình phải vượt qua”. (Cầu thủ Nguyễn Quang Hải).

Sẵn sàng đối mặt mọi hiểm nguy

"Thực ra, khi đánh án, đối diện với sinh tử, có đôi lần tôi cùng đồng đội cũng thấy lo lắng sợ nhưng rồi nhanh chóng xác định tinh thần và phải kiên quyết, vì hậu quả mà tội phạm ma túy để lại, gây nguy hại đến cộng đồng, xã hội. Tôi và đồng đội luôn tư tưởng sẵn sàng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”. Thượng úy Tạ Văn Cường.

                AN KHOA (ghi)