Khánh thành hầm ngầm nối hai lục địa Á-Âu

TP - Ngày 29/10, Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên nối liền hai phần lãnh thổ bên châu Á, bên châu Âu của mình bằng hầm đường sắt dưới biển, hiện thực hóa ý tưởng do Hoàng đế Ottoman đề xuất cách đây khoảng 150 năm.

Hầm đường sắt này dài 13,6km, trong đó có 1,4km chạy ngầm dưới eo biển Bosporus kết nối biển Đen với biển Marmara chia thành phố Istanbul thành hai phần gồm bên châu Âu và bên châu Á.

Theo các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, đường hầm nằm sâu hơn 55m nên trở thành hầm đường sắt ngầm sâu nhất thế giới. Họ hy vọng, với việc 1,5 triệu người qua lại mỗi ngày, đường hầm này sẽ giúp giảm bớt tình trạng hỗn loạn do tắc nghẽn giao thông ở Istanbul, đặc biệt là trên đoạn gần hai cây cầu đang nối hai bờ Âu-Á của thành phố.

Hầm đường sắt được khởi công xây dựng năm 2005, dự kiến hoàn thành trong 4 năm, nhưng sau đó bị chậm trễ do một số di tích khảo cổ quan trọng được phát hiện trong quá trình đào xuống lòng đất Istanbul. Công trình được xây dựng với sự trợ giúp về vốn và công nghệ của Nhật Bản. Việc xây dựng từng làm dấy lên lo ngại rằng, đường hầm sẽ dễ bị động đất gây hỏng, vì Istanbul là nơi có hoạt động địa chấn cao.

Đ.P
Theo AP

Theo Báo giấy