Khánh Hòa: Doanh nghiệp 'kêu' kiến nghị nhiều mà chậm giải quyết

TPO - Nhiều ý kiến đưa ra tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa cho thấy còn nhiều trường hợp DN kiến nghị nhưng chưa được xử lý thỏa đáng. Trong đó, “nóng” lên lĩnh vực phát triển du lịch, đặc biệt liên quan đến sự ngưng trệ trong thủ tục xây dựng, đầu tư.
Có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, việc phát triển "nóng" BĐS du lịch trên địa bàn TP Nha Trang đang để lại nhiều hệ lụy.

Từ lo loạn giá

Hội nghị đối thoại của tỉnh Khánh Hòa với doanh nghiệp (lần 2 năm 2018), vừa diễn ra với sự tham dự của khoảng 200 doanh nghiệp (DN) cùng đại diện của các sở ban ngành. Tại hội nghị, lĩnh vực du lịch được các DN ý kiến nhiều nhất.

Theo Giám đốc khách sạn Liberty Central, hiện nay có một cuộc chiến về giá dịch vụ du lịch ở Nha Trang, với tình trạng hạ giá quá mức đang diễn ra để cạnh tranh nhau. “Theo tôi nếu cứ kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ. Vì giá thấp thì buộc phải giảm chất lượng dịch vụ để bù vào, nếu không sẽ thua lỗ. Đề nghị tỉnh có sự can thiệp để tránh tình trạng cạnh tranh về giá không lành mạnh như hiện nay”, ông Sơn nói.

Một số lãnh đạo của các công ty du lịch cho rằng, tình trạng giá phòng khách sạn ở TP Nha Trang đang giảm mạnh, ngoài việc cạnh tranh không lành mạnh là do xuất phát từ việc có quá nhiều khách sạn được xây dựng trong thời gian gần đây. “Việc cho phép xây dựng quá nhiều khách sạn, đặc biệt là những khách sạn có diện tích nhỏ nhưng rất chọc trời ở các tuyến phố, ngõ nhỏ vừa dẫn tới việc thừa phòng vừa gây nên nhiều hệ lụy trong việc quá tải hạ tầng… Chúng tôi rất mong tỉnh sớm có quy hoạch tổng thể về xây dựng khách sạn cao tầng tại Nha Trang”, vị DN nêu ý kiến.

Tại buổi đối thoại một số DN cho biết, chưa hài lòng về việc các kiến nghị của đơn vị phải gửi đi gửi lại nhiều lần song vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí tại những lần đối thoại trước, lãnh đạo tỉnh hứa sẽ xem xét giải quyết khó khăn mà DN kiến nghị, nhưng sau hội nghị, các cơ quan tham mưu hoặc sở, ngành liên quan vẫn không thực hiện theo ý kiến của lãnh đạo tỉnh. Thậm chí, nhiều DN còn bị gây khó khăn. “Nhiều năm nay, chúng tôi đã kiến nghị về việc tính thuế đá nguyên khai của tỉnh Khánh Hòa có nhiều sai sót, nhưng vẫn không được giải quyết..”, đại diện DN tư nhân Mạnh Cường cho biết.

Đến chậm xử lý các kiến nghị của DN

Đại diện Tập đoàn Crystal Bay-DN trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng bức xúc liên quan đến các thủ tục đầu tư: “Các dự án đầu tư tại tỉnh vì nhiều lý do đều bị trễ thời hạn đầu tư. Chúng tôi đã bỏ tiền ra mua lại một số dự án chậm tiến độ để hồi sinh dự án, nhưng giờ vì chính sách, nó cứ nằm im, nằm im mãi và chúng tôi không biết phải chờ đến bao giờ”, đại diện Tập đoàn Crystal Bay nêu ý kiến.

Hội nghị Chính quyền đối thoại với doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp.

Theo vị đại diện này, vài năm trước, Crystal Bay đã đầu tư vào một số dự án du lịch thông qua hình thức mua lại phần vốn góp của chủ sở hữu như dự án của công ty TNHH Trầm Hương, dự án khu du lịch Riviera Resort ở Bãi Dài, mua lại phần góp vốn công ty Nam Hùng Cam Ranh.

Theo DN này đó cũng là các dự án bị chậm tiến độ đầu tư. Các cơ quan chức năng cũng đã thanh tra, kiểm tra, phạt chậm tiến độ. Chúng tôi nộp phạt và đến nay, đã và đang triển rất khai thành công các dự án này. Thế nhưng, bây giờ câu chuyện lại hoàn toàn khác. Chẳng hạn, mới đây mua lại các dự án ở khu vực núi Cô Tiên khi DN kiểm tra, đối chiếu với định hướng quy hoạch của tỉnh thì thấy phù hợp. Thế nhưng, khi hồ sơ thiết kế cơ sở… của các dự án này gửi lên Sở Xây dựng lại đều bị trả về, không xem xét. Lý do được Sở này đưa ra là do các dự án trễ thời hạn đầu tư.

“Chúng tôi là DN bỏ tiền ra đầu tư, tỉnh nên thông qua chính sách chung thống nhất để giải phóng môi trường đầu tư, không để bị đình trệ, gián đoạn. Những DN đã được cơ cấu lại, tăng vốn, có vốn mới mà chứng minh được năng lực triển khai dự án thì cho phép được nộp phạt và triển khai tiếp”, DN kiến nghị.

Theo bà Đặng Thị Thu Nguyệt- Trưởng Văn phòng Đại diện VCCI Khánh Hòa, thời gian gần đây lãnh đạo Khánh Hòa đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết vướng mắc của DN. Tuy nhiên, bà Nguyệt cho rằng, vẫn còn nhiều trường hợp DN kiến nghị nhưng chưa được xử lý thỏa đáng. Vì vậy, mong muốn thời gian tới Khánh Hòa tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt để giải quyết dứt điểm các trường hợp kiến nghị của DN. Đồng thời có những đổi mới để hỗ trợ DN, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho DN.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh cho rằng, tỉnh không can thiệp sâu hoạt động kinh doanh của DN. Ông Vinh ghi nhận ý kiến của các DN; đồng thời cho biết, UBND tỉnh tiếp thu những ý kiến của DN và sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Vị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng thừa nhận hiện nay, giữa quy định và thực tế vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp nên gây khó khăn cho DN. Đối với những vấn đề liên quan đến du lịch, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu Sở Du lịch cần báo cáo ban chỉ đạo của tỉnh về việc cạnh tranh không lành mạnh để chỉ đạo Hiệp hội Du lịch có hướng xử lý nhằm đảm bảo giá cả hợp lý, không giảm chất lượng dịch vụ. Đối với các vấn đề liên quan đến mặt bằng, hạ tầng cụm công nghiệp và thanh tra DN, những vướng mắc chậm được giải quyết, đồng chí đề nghị các sở liên quan phải tiếp thu và trả lời cho DN, chậm nhất hết quý I/2019 phải xử lý dứt điểm.

Theo ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã lập báo cáo tỉnh dánh sách các dự án chậm tiến độ. Nhưng khi DN làm thủ tục hành chính ở các Sở khác mà dựa vào danh sách này để cho rằng, đang trong diện xem xét thu hồi, không giải quyết các thủ tục khác là cách hiểu không đúng. “Chúng ta làm sao phải để các dự án được triển khai. DN chứng minh được dự án đang hoạt động trở lại, có năng lực mà gặp vướng mắc thì sẽ báo cáo tỉnh xem xét”, ông Nam nói.