1.Tầm nhìn chấp vào hình tướng
Con người nhìn cái gì thì đầu tiên cũng chấp vào tướng. Ví dụ, thấy người có tướng dễ coi thì thích, tướng đen đen, ốm ốm, gầy gầy thì cảm thấy là lạ, thấy người cao hay thấp, hoặc người ăn mặc sang trọng, trang sức đắt tiền hay thấy người nghèo khó… đều khác nhau. Chẳng hạn, dân gian có câu “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Hình tướng, hình thức tự nhiên ăn sâu vào đầu óc con người một cách rất kì lạ.
Là con người, ai cũng qua tần số này và thấy cuộc đời là đau khổ. Ở tầm nhìn này thì thấy cuộc đời khổ thật, lắm rắc rối... Học sinh lỡ thi trượt đại học thấy đời thật chán và chỉ mong quả địa cầu nổ tung, hay thiên tai, bão lụt đến làm chết hết... Nếu điều mong cầu không xảy ra thì nhiều em thi trượt chỉ muốn tự tử. Còn nếu thi đậu, hoặc được học bổng, được việc làm tốt thì rất sợ chết, thiên tai, bão lụt, sợ trái đất tan vỡ...
Quý vị thấy, hậu quả của việc chấp tướng là, vui thì thật vui mà buồn thì thật buồn và hay mơ ước, hi vọng, thất vọng cùng cực. Tức là luôn luôn đối lập – thất bại thì xin về Niết Bàn, thành công thì xin ở mãi trần gian. Cái nhìn chấp vào tướng là thấp nhất.
2.Tầm nhìn xuyên qua hình tướng
Cái nhìn thứ hai là nhìn sâu, xuyên qua hình tướng. Tôi ví dụ để quý vị thấy. Khi quý vị gặp một người năm, bảy lần hoặc quen lâu thì thấy được tâm tính, chiều sâu của họ. Có khi, tâm tính, chiều sâu của họ không giống với hình tướng, biểu hiện bên ngoài. Quý vị có thể thấy tâm tính của họ như hay nóng tính, hiền hòa, cộc cằn, rộng lượng... Tức là cái nhìn đã đi sâu hơn, biết người ác, hiền hay người có đạo đức, không có đạo đức, thậm chí còn biết người làm biếng hay siêng năng…
Tuy nhiên, trình độ nhìn thứ hai vẫn còn nặng về đánh giá. Người ở trình độ nhìn thứ nhất đánh giá rất ghê gớm, còn người ở tầm nhìn thứ hai thì thấy sâu hơn nhưng vẫn bám vào đánh giá nên vẫn cảm thấy rắc rối, dễ chịu, khó chịu, thấy vừa lòng hay không vừa lòng. Ví dụ, thấy cha mẹ thế nào đó mà mình vừa lòng, cảm thấy rất vinh dự. Hay thấy, hiểu tâm hồn cha mẹ thế nào đấy mà không thấy chút vinh dự, cảm thấy xấu hổ, thất vọng.
Tóm lại, tầm nhìn thứ hai xuyên được hình tướng nhưng vẫn còn chấp nặng, rồi đánh giá, ngã vào trạng thái cực đoan hoặc là quá hạnh phúc, đau buồn, hi vọng, thất vọng.
3.Tầm nhìn bình đẳng
Trình độ nhìn thứ ba – nhìn mà tâm bình đẳng. Ví dụ, khi nhìn đứa bé nghèo là em ruột mình với đứa bé nghèo là người dưng thì phải tập nhìn hai đứa bé giống nhau, phải tập nhìn bình đẳng và không có vấn đề riêng tư trong đó.
Một cách tập nhìn nữa là nhìn trung đạo. Tức là nhìn mà không vướng vào mặt A hay B, không nghiêng về phía này, phía khác, chỉ nhìn thấy cho rõ. Rõ rồi mới giữ được tâm bình tĩnh. Ngược lại, để vướng vào mặt A hoặc B, hay nghiêng về phía này hoặc phía kia thì sẽ có xúc cảm nổi lên, ý nghĩ phát triển nên bắt đầu sa vào lòng chấp, đánh giá, không giữ được bình tĩnh, tâm hồn không bình lặng.
Cho nên khi nhìn, cố gắng giữ tính chất không ngả về phía này, phía khác, không đánh giá việc này, việc khác... Nhìn người lạ với người quen thì cố gắng giữ cái nhìn bình đẳng, không ngả vào cảm xúc với người quen hay cảm xúc với người lạ. Giống như, quý vị nhìn họ đều là loài người, đều có tâm hồn, tình yêu, tình thương giống nhau và chỉ có cái đầu, văn hóa khác nhau.
Chỉ nhìn rõ, thấy rõ, có điểm khác thì thấy khác, giống cũng thấy giống nhưng không thành kiến, không đánh giá, không chạy theo, không tham gia, không vướng vào... Nhìn được như vậy thì tâm, đầu óc mình sẽ phát sinh nhiều chuyện hay, phát sinh ra tình thương, trí tuệ và luôn bình tĩnh, có những cách giải quyết các vấn đề hết sức đúng đắn, chính xác. Quyết định vấn đề bằng cái nhìn bình đẳng thì không để lại hối hận.
4.Tầm nhìn thấy rõ bản chất vấn đề
Tầm nhìn thứ tư là nhìn thấy rõ bản chất của từng việc. Thấy bản chất là gì? Là thấy nguyên nhân sinh, vận động và diệt vong của sự việc, hiện tượng. Tức là thấy rõ bản chất từ không mà có, do các điều kiện mà có, các điều kiện đủ đang vận động, rồi dần dần sẽ biến hóa, lệch đi và biến mất.
Ví dụ, một em bé có đủ nhân duyên thì sinh ra và đang có những nhân duyên để lớn lên, rồi tiếp tục có nhân duyên lớn lên nữa và cuối cùng sẽ già đi, rồi biến mất. Quý vị nhìn thân tứ đại hay tâm, tư tưởng của mình cũng vậy. Ví dụ, sáng có đủ điều kiện thì thấy vui nên nói những lời hay, đến chiều không còn những điều kiện vui thì nói chuyện không vui và cảm thấy không hạnh phúc. Nhưng quý vị thấy rõ bản chất của vấn đề là, sinh ra, vận hành và diệt vong. Lợi ích của thấy rõ bản chất là bản thân không phát sinh lòng ham muốn nên ở được trong tình trạng tỉnh thức.
* Tầm nhìn thứ ba và bốn sẽ giúp quý vị an trú trong tỉnh thức. Còn cái nhìn thứ nhất và thứ hai thì khó mà an trú trong tỉnh thức được do suy nghĩ luôn luôn hoạt động, lôi kéo dữ dội và quý vị luôn bị chạy theo cảm xúc.
Ở tầm nhìn thứ ba, quý vị có trình độ sử dụng cái đầu nhìn theo tầm nhìn tương ứng nên an trú được trong tỉnh thức, không bị ý nghĩ kéo đi nên rất sáng suốt. Ở trình độ thứ tư, cách nhìn thứ tư thì quý vị hoàn toàn tỉnh thức. Với mức độ thứ ba và thứ tư, quý vị ở vị trí tỉnh thức thông thường cao nhất nên làm chủ hoàn toàn cái nhìn của đầu óc. Từ tầm nhìn thứ nhất đến thứ tư đều có sự can thiệp của cái đầu.
* Trình độ tầm nhìn thứ tư sẽ giúp quý vị khám phá được Lực Nhiệm Màu Sâu Thẳm bên trong, và tự biết được năng lượng tỉnh thức chính là mình, chính là sự sống thật. Bởi vì, nguồn gốc của toàn bộ thành tựu về hữu tướng là từ vô tướng. Nền tảng của ý nghĩ, ý tưởng, khái niệm… là tỉnh thức. Cho nên, quý vị thấy được tướng, bản chất của tướng thì tự biết đang an trú trong vô tướng, trong tỉnh thức. Tỉnh thức là vô tướng. Tỉnh thức là thực tại có thật nhưng vô tướng và hoàn toàn nằm trong con người của quý vị.
* Ở tầm nhìn thứ ba và thứ tư, cái đầu vẫn còn làm việc nhưng hoàn toàn được kiểm soát, vì đang ở trạng thái tỉnh thức thông thường cao nhất. Tần số thứ ba và thứ tư mang lại giá trị ứng xử phù hợp, trí tuệ sắc sảo và những quyết định không bao giờ phải hối hận. Đặc biệt ở tần số thứ tư, quý vị sẽ thấy đời không có gì để khổ nữa, tất cả đều do duyên mà sinh hay diệt. Ở tầm nhìn thứ tư sẽ thấy, tất cả những gì ở cuộc đời mà mình thấy, nghe, biết được đều vận động theo luật nhân duyên. Khi đó, không nói khổ nữa vì biết rõ mọi vận động hữu tướng của cuộc đời là theo luật nhân duyên, luôn luôn thay đổi.
Cuộc đời con người bắt đầu từ khi sinh ra, lớn lên, đi học, có người yêu, lập gia đình, bắt đầu sinh con cái rồi đến già và chết. Tất cả đều vận hành, sinh ra và mất đi theo luật nhân duyên. Thấy rõ được vậy thì không thể không chấp nhận. Mà phải nên tự nguyện đón nhận chứ không phải là chấp nhận đâu. Khi đã thấy rõ và đón nhận thì có gì để nói đời là khổ hay vui nữa? Ở tần số thứ tư thì đời không có khổ hay vui, vì thấy rõ các pháp tự sinh ra rồi diệt đi theo luật nhân duyên. Thấy rõ như vậy thì không phải đi tìm con đường nào khác nữa, mà tự nguyện đón nhận để ứng xử và thưởng thức cuộc đời đang hiện diện.
Ví dụ, khi quý vị thấy có người không trung thành với mình thì rõ ràng đầu óc, suy nghĩ của họ như con ngựa hoang, suy nghĩ làm chủ nên họ sống trong vô minh. Do đó, nay họ trách điều này, mai trách điều nọ. Tâm ý họ thay đổi liên tục nên không trung thành là chuyện bình thường. Vậy gây thù oán làm gì?! Khi đã chấp nhận thì không còn khổ nữa, nhưng vì mang thân người nên chỉ hơi cảm thấy buồn một chút, rồi qua đi nhanh chóng. Như vậy, cơ bản là chấp nhận, nếu buồn thì chỉ vì thói quen của kiếp con người, nhưng không đến nỗi phải quá khổ đau, đi đến tự tử, thù oán…
* Quý vị có khả năng ở bốn tầm nhìn trên. Phải nhớ và cố gắng thực hành chuyển các tần số để nhìn. Khi nhìn gì thì phải tập nhiều và chuyển tần số để nhìn.
5.Tầm nhìn tỉnh thức sâu thẳm
Tầm nhìn cuối cùng là tập để lọt vào không gian tỉnh thức sâu thẳm. Tức là, cái nhìn của trạng thái tỉnh thức sâu thẳm, nhìn mà không nói duyên khởi, bình đẳng hay không bình đẳng, tướng hay không tướng, chuyện bên trong hay bên ngoài... Như vậy, ở tần số nhìn thứ năm, cái đầu không can thiệp vào.
Đạt được các trạng thái nhìn thứ ba, bốn, năm thì đương nhiên sức mạnh rất lớn. Khi đó, quý vị không cần sách vở, tài liệu, thư viện, chùa chiền, hình tướng, bái lạy, đốt nhang, đọc kinh… Còn ở tầm nhìn thứ nhất, thứ hai thì cần đủ chuyện như sách vở, chùa chiền, ni tăng, cha cố, nhà thờ, lễ lạy… Lên đến tầm nhìn thứ ba, tư và bắt đầu lên tầm nhìn thứ năm thì không còn chữ nghĩa.
Khi tâm hay đầu óc hoặc tầm nhìn được mở ra thì con người thật chính là tầm nhìn, khả năng nhìn. Con người thật, giả, nhỏ, to… là do tầm nhìn. Không phải có khả năng, tầm vóc lớn nghĩa là có nhiều bằng tiến sĩ, biết nhiều chữ nghĩa hay do tu luyện nhiều, ngồi thiền lâu năm hoặc làm tổng thống, thủ tướng… Khả năng, tầm vóc lớn là do tầm nhìn của con người và quý vị khác người khác là do tầm nhìn của mình.
Tầm nhìn không dính tới những vấn đề khác, chỉ mình quý vị biết, không người thứ hai nào biết được. Mặt khác, cũng không thể nói với người khác là tôi có tầm nhìn rất vĩ đại. Khi đó, quý vị nhìn mà như câm, chỉ nhìn, nói không được, và chỉ phóng ra ánh sáng, năng lượng, sức mạnh.
Trích từ sách “Thông minh sâu thẳm” của tác giả Duy Tuệ
Sách do nhà xuất bản VHTT và công ty CPĐT Giáo dục Minh Triết phối hợp phát hành quý 3 năm 2011
Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)