Kết thúc 8 tập Người đẹp Nhân ái: Bóng đến chân giám khảo

TP - 36 dự án Nhân ái, cuối cùng chỉ còn lại 30 thí sinh thi tài do 6 người đã phải rời cuộc chơi vì những lý do khác nhau. May mắn là dù đội hình sứt mẻ nhưng ứng viên nổi bật vẫn có. Tập kết thúc (phát VTV9 tối qua 21/8) xứng đáng khép lại một hành trình nhân ái ý nghĩa, không kém hấp dẫn.
Bốn thí sinh trên trường quay Người đẹp Nhân ái tập 8, từ trái qua: Phùng Lan Hương, Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phạm Thủy Tiên, Nguyễn Cát Nhiên. Ảnh: BTC.

Điểm sáng của tập 8

Mỗi thí sinh trong dự án này đều trải qua một số hành trình giống nhau, song để tạo khác biệt, trội hẳn lên thì ngoài khả năng truyền thông tốt, phong cách phù hợp khi giao tiếp với người dân địa phương, họ còn phải có sáng kiến nữa. Và phải toát lên tấm lòng nhân ái thực sự dù thời gian thể hiện không nhiều.

Phạm Thuy Tiên người Hà Nội, sinh viên Đại học Ngoại thương là một trong những gương mặt ở tập 8, tập cuối cùng của cuộc thi này, vốn là thử thách lớn nhất tại Hoa hậu Việt Nam 2016.

Đến thôn Hiệu Chân, xã Tân Hưng, Sóc Sơn, Hà Nội với nhiệm vụ duy tu sửa chữa nhà văn hóa, danh sách những việc cần làm của Thuy Tiên gồm: Lát lại 250m2 sân và nâng 45cm; cải tạo mái và thay trần nhà; sơn lại tường, cột, trần; cải tạo hệ thống điện...

Nghệ sĩ Trấn Thành nhận xét Tiên “quá thông minh”. Nhà báo Trác Thuý Miêu còn “quá lời” hơn. Trấn Thành: Em phóng vô trong đó làm không thiếu một cái gì từ sơn tường, trồng cây, xếp gạch, lao thồ...

Nếu chỉ nhiệt tình “sán lăn” vào việc, Thuy Tiên không hơn nhiều cô gái khác. Cô gây hết bất ngờ nho nhỏ này đến bất ngờ nho nhỏ khác. Ví dụ trước khi đến thôn Hiệu Chân, cô đã chuẩn bị một tủ sách nhỏ do cô vận động bạn bè, góp vào nhà văn hóa thôn. Tự tay vẽ những bức tranh khiến trẻ em thích thú lên tường. Trong khuôn hình, cô truyền thông điệp “Tri thức giúp những vùng quê nghèo chắp cánh bay lên”.

Cô cũng khôn ngoan khi tìm cách kêu gọi giúp đỡ mẹ con bà cháu chị Nhung- nạn nhân da cam ở đây. Bị liệt nằm một chỗ, chị Nhung có đứa con trai không việc làm. Thủy Tiên vận động giúp thanh niên này một khoá học làm thợ và công ăn việc làm sau đó, không phải tiền bạc. Và cô kêu gọi ở trường quay, khi đối diện ban bình luận và khán giả, không phải khi ghi hình ở Sóc Sơn.

Trong bộ quân phục khỏe mạnh, Phùng Lan Hương- cũng đến từ Hà Nội, có được những hình ảnh độc đáo ở Tiểu đoàn Bộ binh 2 huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, khiến cô trông khác hẳn ngày thường. Hương chung tay xây dựng nhà chờ diện tích khoảng 60m2 dành cho thân nhân đến thăm chiến sĩ. 

Tại đây Hương có những thời khắc luyện tập- kể cả thao tác với súng, vào bếp với chiến sĩ, cuốc đất vườn, xúc những nhát xẻng đầu tiên khởi công nhà chờ... Phần thực hiện dự án này của Hương được hỗ trợ bởi âm nhạc “rất bộ đội”, và những thước phim quay chậm trữ tình khiến tập 8 có những khoảng lặng đáng nhớ.  

Dự án của Phùng Lan Hương được thực hiện bởi Nhãn hàng Sắc Ngọc Khang của cty cổ phần dược phẩm Hoa Thiên Phú.

Nhưng cũng như Phan Thị Hồng Phúc ở Lý Sơn, Hương chưa thoát khỏi khuôn khổ của một thí sinh lo hoàn thành nhiệm vụ. Khán giả hẳn chờ đợi hơn ở một cô sinh viên RMIT về độ bứt phá, thông minh, hoặc đặc biệt nhân hậu. Theo nhà báo Trác Thuý Miêu, ít nhất Hương chưa tận dụng được khoảnh khắc cảm động khi BTC bố trí chiến sĩ trẻ Bảo Long bất ngờ gặp mẹ từ Hà Tĩnh vào thăm. (Nhà chờ là để chiến sĩ được gặp thân nhân mà). Công phu của BTC, một điểm nhấn của dự án đã không được tận dụng.

Dự án của Thủy Tiên được Công ty Sen Vàng tài trợ còn dự án của Lan Hương do Công ty Dược phẩm Hoa Thiên Phú tài trợ, đều không dưới 100 triệu đồng.

Hai dự án còn lại đều có ích nhưng người thực hiện chưa phải ứng viên giải Người đẹp Nhân ái: Nguyễn Cát Nhiên (Đồng Nai) với công trình “Giếng nước cho người nghèo” ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và Nguyễn Thị Ngọc Vân với công trình “Điện sáng đường quê” ở xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng. Ca sĩ Quỳnh Mai tài trợ dự án của Nhiên còn Công ty Cổ phần cơ điện lạnh Đại Việt lo chi phí dự án của Vân. Tuần trước Vân đã rời HHVN vì lý do riêng rồi.

Khó như tìm Người đẹp Nhân ái

Người đẹp Nhân ái là nội dung hoàn toàn mới mẻ tại HHVN năm nay. Sự xuất hiện của các cô gái trong hoạt động này khiến cuộc thi hoa hậu sinh sắc hơn, họ cũng có cơ hội đến gần khán giả hơn. Chỉ ít phút trên khuôn hình và tại trường quay không ngờ bộc lộ tính cách, năng lực, tấm lòng của từng người đến vậy. Chưa kể luôn có một đội quân gồm ê-kip làm chương trình, phóng viên... đi theo ghi nhận, báo cáo BTC và BGK. Trong những bộ trang phục tinh tế hoặc gợi cảm ở trường quay, họ chắc chắn còn được khán giả ngầm chấm điểm ngoại hình.

Bình thường Bùi Nữ Kiều Vỹ (Đà Nẵng) có vẻ hiền lành lặng lẽ, nhưng trên dòng kênh Nhiêu Lộc làm dự án, trông cô thật năng động, tươi tắn, nhiệt tình. Nguyễn Thị Như Thủy, Lục Thị Thu Thảo luôn khôn ngoan, cũng hoàn thành xuất sắc dự án của mình, chỉ là chưa nổi lắm về sáng kiến. Qua hoạt động nhân ái, thấy Trần Ngô Thu Thảo quê miền Tây đúng  là cô gái thật thà đáng mến. Còn Phạm Châu Tường Vi được nhà báo Thu Vân đi theo ghi nhận: Trông cô ấy hiền lành thế thôi nhưng mạnh mẽ ngầm, không chỉ lo hoàn thành nhiệm vụ mà còn biết nghĩ cho những người thực hiện. Dự án của Trần Huyền Trang thì gây ra trận mưa nước mắt ở trường quay bởi đối tượng thụ hưởng nó là các lão nghệ sĩ cuộc sống buồn tủi ở nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, cảm giác cô làm dự án hơi đơn giản, thiếu sáng tạo cá nhân.

Một trong những người có cách truyền thông lôi cuốn nhất, ngoại hình cũng sáng trưng là Lê Trần Ngọc Trân, tiếc thay đã phải sớm dừng bước, giống Tường Vi và Như Thủy. Đa số thí sinh làm tốt phận sự nhưng như đã nói trên kia, khán giả hẳn kỳ vọng cao ở người đẹp đoạt giải Nhân ái. Sau đây họ còn đồng hành cùng BTC và báo Tiền Phong trong những hoạt động thiện nguyện quan trọng. Hy vọng ít ngày nữa, khi giải này xướng lên ở Nhà thi đấu Phú Thọ, khán giả sẽ hài lòng còn các thí sinh khác đều tâm phục khẩu phục. Còn bây giờ, bóng đến chân giám khảo!

Họp báo trước đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 diễn ra 10h sáng nay 22/8 tại khách sạn Pullman, TPHCM với sự tham dự của 30 thí sinh vòng chung kết.