'Kéo cày' và ngủ

TP - Xã Kim Chung, nơi tập trung nhiều xóm trọ của công nhân tại KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), là bức tranh thu nhỏ về cuộc sống buồn tẻ của những bạn trẻ quanh năm làm bạn với máy móc và ít thấy mặt trời.
Khu trọ nhếch nhác của sinh viên Ảnh: D.N

> Công nhân lũ lượt rời nhà máy thuỷ sản

Khu trọ nhếch nhác của công nhân.  Ảnh: D.N.

Đa số công nhân làm thuê ở khu vực này là lao động phổ thông làm trong lĩnh vực điện tử, cơ khí với mức thu nhập hàng tháng 2-3 triệu đồng nếu làm cật lực.

Nhiều người làm việc có thâm niên 5-10 năm cũng tạm gọi là đủ trang trải. Hầu hết công nhân ở đây đều đến từ những vùng quê nghèo nên chỗ ở cũng luôn là nỗi lo thường trực.

Vòng quanh các chợ tự phát quanh xã Kim Chung vào giờ chiều tan ca thấy cảnh người mua, kẻ bán tấp nập. Tiếng rao bán quần áo, rau, củ quả… inh ỏi. Dường như hiểu được tâm lý ham rẻ nên chủ của các gánh hàng này luôn đắt khách.

“Mình thường mua hàng ở đây, nhưng ít khi họ cân đúng, thường mua 1 kg hàng hóa nhưng khi về mượn cân chủ nhà cân thử thì chỉ còn 7-8 lạng. Vẫn biết người ta buôn gian bán thiếu nhưng đành chấp nhận vì không mua ở đây thì mua đâu?”, Kim Anh, công nhân Cty Canon lý giải.

Tiền thuê phòng của những công nhân ở đây cũng không rẻ. Với những khu trọ cạnh KCN có diện tích từ 10-15m2 giá từ 600 đến 1,2 triệu đồng/tháng cho 2-4 người ở.

Đó là chưa kể tiền điện, nước và các khoản phát sinh khác không ngừng tăng trong khi đồng lương công nhân hầu như bất động. Nhiều bạn trẻ cười như mếu kể cho chúng tôi nỗi cực nhọc mà họ phải đối mặt.

Lê Thị Hồng (25 tuổi, quê Hòa Bình) nói: “Tuy biết ăn uống kham khổ thế này về lâu dài có hại cho sức khỏe, nhưng công nhân như tụi em, lương ba cọc ba đồng đâu dám tiêu xài hoang phí. Chỉ mong trời thương cho sức khỏe tốt để làm việc, hàng tháng dành dụm ít tiền cho em ở quê ăn học là tốt lắm rồi”.

Gần trưa nhưng nhiều phòng trọ cạnh cầu chui dân sinh đối diện cổng vào UBND xã Kim Chung phòng thì khóa, phòng thì chốt phía trong. Cảnh ồn ào, náo nhiệt ở các khu trọ công nhân mà chúng tôi hình dung trước khi đến đây chẳng thấy, thay vào đó là sự đìu hiu, buồn tẻ.

Đem thắc mắc đó hỏi một vài phòng trọ mở cửa thì được biết: “Người đi làm ca, người ngủ. Công nhân bọn em làm về mệt nên chỉ muốn lăn ra ngủ để lấy sức mai lại kéo cày, chẳng muốn đi đâu nữa. Nếu có dịp nghỉ lễ dài ngày mới đi đây đó tý thôi ”, Lê Bá Hinh (SN 1987, quê Thái Bình), làm ở Cty CHIODA cho biết. Hinh còn cho biết, hầu hết đều làm thêm, lệch ca kíp nên dù ở cùng khu trọ nhưng cả tháng trời có khi chẳng nhìn thấy mặt nhau.

Vô vị không kém xóm trọ của Hinh, mấy nam công nhân làm ở Cty HOEV trọ ở thôn Bầu lại có trò tiêu khiển giết thời gian là sát phạt ăn tiền.

Không có việc gì làm trong khi chờ đến giờ làm ca, Vũ Trọng Huy quê Ba Vì cùng với mấy công nhân nam ở đây liền mua bộ bài về giải trí. Ban đầu chỉ là đánh cho vui nhưng rồi cũng chán, cả hội liền quay sang đánh bài ăn tiền cho có khí thế. Chẳng mấy chốc, Huy bay vèo hết tháng lương.

Khát sân chơi

Với nhiều công nhân ở KCN Bắc Thăng Long, văn hóa giải trí, tin tức là nhu cầu khá xa xỉ. Không gian vui chơi, dịch vụ giải trí hầu như không có, nếu có cũng ở xa chỗ trọ và nằm ngoài mức thu nhập nên chẳng ai dám vung tay.

Hầu hết công nhân đều muốn được vui chơi giải trí, nhưng trong KCN chỉ toàn là nhà xưởng, máy móc. Một vài công ty có trang bị phòng đọc sách, nhưng ít ai đến vì không có thời gian, làm mệt không có sức mà đọc.

“Chúng mình đi làm cả ngày đến khi về thì mắt cũng ríu, chân tay rã rời nên chỉ biết tắm giặt, lùa vài ba bát cơm rồi lăn ra ngủ, sức đâu mà xem ti vi hay sách báo”, Đoàn Văn Huy, công nhân quê Thái Nguyên nói.

Ngày trước, cứ mỗi dịp cuối tuần, Hinh thường rủ bạn về phòng nấu nướng rồi làm mấy xị cho đỡ buồn. Tuy nhiên, gần đây ở khu trọ bên cạnh cũng chỉ vì nhậu nhẹt rồi lời ra tiếng vào dẫn đến án mạng nên từ đó chủ nhà cấm tiệt chuyện này.

Xóm trọ của Hinh có tất cả 10 phòng nhưng có lẽ phòng của Hinh là “tiện nghi” hơn cả với một máy tính để bàn có nối mạng. Thi thoảng cuối tuần hay thảnh thơi, cả xóm lại tụ tập về phòng Hinh để xem tin tức, xin tải nhờ một ít nhạc về máy điện thoại để tối nằm nghe cho đỡ buồn.

Hinh cho biết, ở khu vực này hình thức vui chơi, giải trí của công nhân là ra tiệm Internet chơi điện tử, chát chít hoặc máu lên thì góp tiền đi hát karaoke, nhậu nhẹt.

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng không ít công nhân vẫn lãng mạn, yêu đời. “Ngoài những giờ căng thẳng với máy móc, dù không có điều kiện để đi mua sắm hay xem phim rạp, tụi em cũng biết tự tạo cho mình những niềm vui nho nhỏ, để có thể chia sẻ, tâm sự cùng nhau. Vào những buổi sinh nhật hoặc kỷ niệm gì đó, mấy phòng trong khu trọ lại cùng “góp vốn liên hoan”. Đôi khi chỉ là bim bim, hoa quả, nhưng cũng đủ để mọi người thấy ấm lòng”, Nguyễn Thị Huyền (quê Thanh Hóa) đang làm ở Cty IKEUCHI Việt Nam thổ lộ.

Theo Báo giấy