Tôi vẫn còn nhớ như in ngày kỷ niệm giải phóng Ðà Nẵng 29/3/2013, cụ Dương Vân Sơn ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) - người đã nhường đất ở của mình để Ðà Nẵng mở đường lên Bà Nà, lần đầu tiên trong đời bước lên cabin của hệ thống cáp Tóc Tiên. Cabin vút đi giữa mây trôi bồng bềnh, cụ sung sướng thốt lên: “Quá đã !”.
Ăn rau rừng, lập kỷ lục thế giới
Rất khó để gặp được những nhân vật đã đặt dấu ấn ở kỷ lục thế giới cáp treo Bà Nà trong thời điểm này. Ðơn giản, họ lại đang trải dài trên mọi miền đất nước để tiếp tục làm cáp treo ở các đỉnh núi, hải đảo. Anh Trịnh Văn Hà – người gắn bó với công trình cáp treo Bà Nà từ những ngày đầu tiên, cũng không có nhiều thời gian, bởi hiện nay anh lại chạy như con thoi với công trình cáp số 4 và 5 lên đỉnh Bà Nà.
Hồi ức của anh Hà tái hiện những ngày dầm mình trong giá lạnh, và dưới ánh nắng thiêu đốt của miền Trung để lập kỷ lục thế giới. Hàng vạn du khách giờ đây, ngồi cáp treo xuyên qua làn mây thấp thoáng, cảm nhận được không gian kỳ vỹ nhưng ít ai biết được rằng, ngoài sự trợ giúp của máy học hiện đại với công nghệ của hãng cáp treo nổi tiếng Doppelmayr thì chính bàn tay con người mới là nhân tố chính để Việt Nam ghi danh kỷ lục. Anh Hà cũng chính là một trong những người đặt thước đo, vít con ốc, bulong đầu tiên ghi dấu ấn đường lên tiên cảnh. “Thú thật là ngày đó tôi không hiểu cáp treo là gì, làm như thế nào. Ðến tận bây giờ khi cùng ngồi lại để hàn huyên với anh em chuyện mấy năm trước, không lý giải nổi vì sao chúng tôi có thể làm việc trong điều kiện thiếu thốn đủ bề mà tinh thần vẫn lạc quan và tràn đầy nhiệt huyết” – anh Hà tâm sự.
Bà Nà những năm 2007, tiếng là cách Ðà Nẵng 30km, nhưng đó là dưới chân núi, còn đường lên đỉnh như chổng ngược lên trời. Cheo leo hiểm trở. “Ðến cả đứng còn khó chứ đừng nói đi lại. Ða phần thời gian chúng tôi làm trúng mùa mưa, sương mù giăng kín lối đi. Chúng tôi thường xuyên ở trong rừng, tháng này qua tháng nọ, không điện đóm không sóng di động, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài” – anh Hà nhớ lại có một điểm duy nhất là cây cầu dưới chân núi điện thoại di động có thể hiện một vạch sóng yếu ớt. Anh em công nhân gọi đó là “cây cầu tình cảm” vì đến dịp cuối tuần, được nghỉ một buổi lại cuốc bộ từ đỉnh núi xuống chỗ có sóng để liên lạc với người thân. Tuy nhiên, nỗi ớn lạnh nhất đối với công nhân, kỹ sư nằm rừng lại là mưa lũ. Một trận mưa lớn, nước từ đỉnh cao 1500m đổ ào ạt xuống, công nhân đa phần dầm dề như chuột lột.
Anh Ngô Lộc, một công nhân kể lại, hàng ngày, đội cõng chuyến tiếp tế lương thực gồm 5 người gùi gạo thịt mắm muối vào. Nhưng cũng có khi anh em nhịn đói cả tuần. “Còn là những đợt mưa kéo dài, nước dâng cao cắt đường tiếp tế lương thực, đôi lúc kéo dài, gạo hết, mỳ tôm hết đành ăn rau, cá rừng qua bữa” - anh Lộc kể. Ðiều kiện khắc nghiệt đến nỗi, nhiều công nhân, dẫu khỏe mạnh cũng không trụ nổi, đã bỏ về. Khổ vẫn chưa là gì, có khi anh em còn nguy đến tính mạng, như nhiều lần đang ngủ trong lán, nghe tiếng ấm ầm, chạy ra ngoài bấm đèn pin mới hoảng hồn vì cây to ập xuống, vùi chiếc lán thành một đống. Chưa hết, trong rừng muỗi, vắt thì vô thiển lủng. Hãi nhất là rắn thường “viếng thăm” anh em công nhân. “Có những lúc tôi cũng phân tâm, nhất là đêm đêm nằm trên võng, dõi tầm mắt về Ðà Nẵng nhấp nháy đèn hoa. Nhưng nghĩ đến ngày cáp treo lao vun vút giữa nền trời, anh em lại nắm tay nhau” – anh Hà tâm sự.
Những công nhân, kỹ sư nhớ lại, khó khăn vì điều kiện khắc nghiệt chưa thấm vào đâu so với bỡ ngỡ ban đầu về cái gọi là Cáp treo. Ðó là thời điểm năm 2007, khi công nghệ GPS cao tần chưa được phát triển tại Ðà Nẵng, để có đường thẳng dài 6.000m trong rừng Bà Nà là một điều không đơn giản. Sai số kỹ thuật chỉ cho phép +/- 20 mm. Ban đầu, đoàn khảo sát chia làm hai đo đạc. Một đoàn đo từ trên cao đo xuống, một đoàn đo từ dưới đo lên. Nhưng, khi hai đoàn đo gặp nhau thì cách nhau tới …. 5 m. Trầy trật mãi với với hệ thống khống chế bằng lưới GPS sau đó lập hệ thống DC sau đó mới khớp nối chính xác. “Ðó là chưa kể những khúc mắc khi làm việc với chuyên gia nước ngoài. Phải căng mình hết cỡ mới hiểu được họ. May mà mọi thứ rồi cũng ổn”.
Bà Nà huyền ảo dưới bàn tay của KTS Bill Bensley. Ảnh: Nam Cường.
Những người “mở đường”
Ðến thời điểm này, có lẽ những người trở về từ Ukraine giá lạnh đã có thể hài lòng về những dấu ấn của chính mình trên quê hương Việt Nam. Năm 2007, ít ai có thể hình dung những cabin gắn dưới sợi cáp có thể chạy ro ro, đưa người từ dưới chân núi, vượt qua những dốc không gian dựng đứng để lên tới đỉnh Bà Nà. Giờ đây, tất cả đều là hiện thực. Không những thế, cáp treo ở Bà Nà, Phú Quốc, Fansipan… đều là kiệt tác thế giới. “Chúng tôi là những người mở đường, quyết tâm làm những công trình kỷ lục tại Việt Nam, mặc dù vậy, những công trình của SunGroup luôn hoà quyện với thiên nhiên. Tiêu chí chúng tôi là gìn giữ những gì thiên nhiên ban tặng cho con người, đặc biệt là rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa” - anh Ðặng Minh Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn SunGroup nói đầy ẩn ý.
Anh Trường kể về những tháng ngày quyết tâm đưa cáp treo kỷ lục về Việt Nam, về những ánh mắt nghi ngại của hãng cáp treo tiếng Doppelmayr với hơn 100 năm kinh nghiệm và là hãng cáp treo đầu tiên làm cáp treo trên đỉnh núi Alpes. Người viết bài này cũng từng sát cánh bên người dân Hòa Vang bị giải tỏa làm đường, cùng với một số dân đấu tranh đến cùng trước một số hiểu nhầm về giá cả đền bù, tái định cư… Sau những khó khăn, cuối cùng thì viên gạch đầu tiên cũng đã được đặt và cũng chỉ sau hơn một năm, đúng ngày 23/9/2009, cáp treo Bà Nà đầu tiên ra đời. “Ðịa hình một bên là vực sâu, bên kia là vách đá. Thời tiết khắc nghiệt, biến động thường xuyên, mưa nắng thất thường, có những ngày sương mù giăng phủ không nhìn thấy cảnh vật xung quanh. Rất vất vả. Nếu ở nước ngoài, việc vận chuyển nguyên vật liệu xuyên rừng, xuyên núi xây dựng cáp treo được tiến hành bằng trực thăng, thì ở đây, tất cả đều do bàn tay con người. Hàng ngàn tấn sắt thép, nguyên vật liệu được vận chuyển bền bỉ lên đỉnh cao hơn 1500m, với quy định khắt khe là phải giữ nguyên trạng rừng nguyên sinh Bà Nà.Tuyến cáp Tóc Tiên - Indochine lại càng khó khăn gấp bội vì địa hình nhiều đá lớn, việc di chuyển khó khăn. Việc kéo 77 tấn cáp cũng phải bằng thủ công”. Những ngày đó, các chuyên gia nước ngoài cũng kinh ngạc trước sự bền bỉ của công nhân, kỹ sư Việt Nam.
Dưới bàn tay tài hoa của những kiến trúc sư lừng danh thế giới, đỉnh Bà Nà ngày nay được đánh thức bởi nét đẹp hiện đại, hoành tráng mà vẫn dáng dấp cổ xưa, hòa quyện với thiên nhiên. “Chính quyền đặt quy định không được tác động đến rừng đã đành, tiêu chuẩn của Bill còn khắt khe hơn gấp bội. Mỗi chi tiết, mỗi nét vẽ của ông ấy đều phải thật sự vì thiên nhiên. Phải nói thật là Bill làm chúng tôi thỏa mãn với việc không tác động quá mạnh đến rừng già. Bà Nà – Núi Chúa là báu vật hiếm hoi còn sót lại của Ðà Nẵng. Ai cũng phải có trách nhiệm gìn giữ”- anh Trường kể.
Tổng Giám đốc Ðặng Minh Trường nhớ lại những ngày đầu trở về Việt Nam, SunGroup chọn Ðà Nẵng làm nơi lập nghiệp. Với những ý nghĩ nghiêm túc về một hành trình mới, những người trở về đặt quyết tâm phải tạo một sự ấn tượng lớn để khẳng định tên tuổi. Và đó đỉnh Bà Nà là đỉnh cao đầu tiên được chinh phục. “Phải có những công trình mang dấu ấn vượt thời gian, thể hiện khát vọng xây dựng đất nước của mình”.