Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

TP - Một báo cáo vừa được công bố cho thấy 26 người giàu nhất hành tinh sở hữu số tài sản bằng tổng tài sản của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới cộng lại. Khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.
Mark Zuckerberg (trái) và Jeff Bezos, hai trong số những người giàu nhất hành tinh. Ảnh: time.com

Các tỷ phú của thế giới vẫn giàu thêm 2,5 tỷ USD mỗi ngày, trong khi nửa nghèo hơn của dân số thế giới đang thấy tài sản của mình teo tóp đi, CNN dẫn báo cáo của giới nghiên cứu cho hay.

Tỷ phú đô la của thế giới nay có 2.208 người và giàu hơn bất cứ thời điểm nào trong quá khứ, theo một bản báo cáo của tổ chức Oxfam International công bố hôm 21/1. Tính từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra cách nay một thập kỷ, số lượng tỷ phú thế giới đã tăng gần gấp đôi.

Nghiên cứu thường niên này được công bố trước sự kiện thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm nay được tổ chức tại Davos, Thụy Sỹ. Tại đây sẽ tập trung một số người giàu có nhất thế giới và những nhân vật quyền lực cũng tầm cỡ toàn cầu. Báo cáo dài 106 trang được đưa ra với trọng tâm là thu hút sự chú ý của thế giới về tình trạng khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng.

Năm ngoái, số liệu thống kê cho thấy tài sản của 26 nhân vật giàu nhất thế giới cộng lại đạt mức 1.400 tỷ USD, tương đương tài sản cộng lại của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới.

Hầu hết những người giàu nhất thế giới là người Mỹ, theo danh sách do tạp chí Forbes lập ra và được Oxfam dẫn lại trong báo cáo.

Đó là những cái tên Jeff Bezos, ông chủ của công ty thương mại điện tử Amazon, người gần đây liên tục lên mặt báo vì vụ li dị vợ để theo người tình có thân hình bốc lửa, hay Bill Gates của tập đoàn Microsoft, Warren Buffett của Berkshire Hathaway hay Mark Zuckerberg của Facebook. Chỉ bốn người này “hợp sức”, số tài sản của họ đã lên tới 357 tỷ USD, theo Forbes.

Oxfam đưa ra đề nghị các quốc gia đánh thuế tài sản công bằng hơn, nâng thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp, loại bỏ khả năng các công ty và người siêu giàu “né” thuế.

Tổ chức phi chính phủ danh tiếng này cũng đề nghị các chính phủ thiết kế các chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các dịch vụ công miễn phí, đảm bảo rằng phụ nữ và trẻ em gái được hưởng lợi. Các chính phủ được khuyên đầu tư vào hệ thống dịch vụ công, bao gồm nước sạch, điện và chăm sóc trẻ em, nhằm giải phóng thời gian cho phụ nữ và hạn chế số giờ họ phải làm việc mà không được trả thù lao.

Báo cáo này cũng phản ánh quan điểm tương đồng của đảng Dân chủ Mỹ, những người đang vận động cho những cải cách theo hướng mà Oxfam đề cập.

“Sẽ có các cuộc đối thoại công khai và ngày càng mạnh mẽ ở Mỹ và trên toàn thế giới  về thế nào là một hệ thống thuế hiệu quả và công bằng và nó rất khác những gì đang được áp dụng”,  Paul O’Brien, phó chủ tịch Oxfam chi nhánh Mỹ phụ trách chính sách và truyền thông, nói.

Không chỉ ở Mỹ, sự bất bình đẳng trong chính sách thuế được xem là mang tính toàn cầu. “Ở nhiều quốc gia, nền giáo dục  tốt hay hệ thống chăm sóc sức khỏe đảm bảo đã trở thành những thứ xa xỉ mà chỉ người giàu mới có tiền chi trả”, báo cáo của Oxfam nói. Hằng ngày, có 10.000 người chết bởi do không có đủ tiền chi trả cho y tế.

Trong môi trường bất công đó, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. “Trẻ em gái bị bắt rời bỏ trường học khi cha mẹ không có đủ tiền nộp học phí và phụ nữ phải làm nhiều thời gian không được trả công, ví dụ chăm sóc người già, người ốm khi hệ thống y tế không đáp ứng nhu cầu xã hội”, Oxfam, tổ chức có mặt tại 94 quốc gia nói.