Italy: Thị trấn 'thắng' dịch Covid-19 nhờ xét nghiệm toàn dân

TPO - Từng là nơi ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 ở Italy, thị trấn Vò mới đây đã trở thành “tấm gương” chống dịch khi cơ quan y tế địa phương ngăn chặn thành công sự lây lan của SARS-CoV-2 bằng cách xét nghiệm toàn dân.
Binh sĩ canh gác ở thị trấn Vò. Ảnh: EPA

Đại học Padua, với sự hỗ trợ của chính quyền Vùng Veneto và Hội Chữ thập đỏ, đã thực hiện một nghiên cứu khoa học về chiến dịch chống Covid-19 của thị trấn Vò.

3.300 cư dân thị trấn, cả những người không có triệu chứng, đã được xét nghiệm không chỉ một, mà hai lần.

Mục đích của nghiên cứu là tìm hiểu nguồn gốc của virus, cơ chế lây truyền và các nguy cơ khác.

Khi nghiên cứu bắt đầu vào ngày 6/3, đã có ít nhất 90 người mắc Covid-19 ở Vò. Đến nay, khu vực này không ghi nhận ca nhiễm mới.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở Vò. Ảnh: EPA

“Chúng tôi có thể ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh bởi chúng tôi đã xác định và lập tức cô lập các nguồn lây”, Andrea Crisanti - một chuyên gia tại Đại học Imperial London, người tham gia dự án Vò – nói với Financial Times. “Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt”.

Theo Guardian, nghiên cứu cho phép cơ quan y tế xác định ít nhất 6 người dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng.

“Nếu những người này không được phát hiện, thì họ có thể đã vô tình lây bệnh cho những cư dân khác”, các nhà nghiên cứu nói.

Tỷ lệ phần trăm những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng rất cao”, ông Sergio Romagnani, Giáo sư Miễn dịch lâm sàng tại Đại học Florence viết trong một lá thư gửi chính quyền.

“Việc cô lập những người không có triệu chứng là rất cần thiết để có thể kiểm soát sự lây lan của virus và mức độ nghiêm trọng của bệnh.”

Người dân xếp hàng đi xét nghiệm ở Vò. Ảnh: AP

Từ “tấm gương” Vò, nhiều chuyên gia và thị trưởng đã thúc đẩy việc xét nghiệm hàng loạt ở Italy, cả những người không có triệu chứng.

“Chỉ một xét nghiệm thì sẽ không ảnh hưởng đến ai”, Thống đốc Veneto – ông Luca Zaia nói, đồng thời mô tả thị trấn Vò “là nơi an toàn cho sức khoẻ nhất Italy”.

“Sau 2 ca bệnh đầu tiên, chúng tôi đã xét nghiệm tất cả mọi người. Ngay cả khi các chuyên gia nói với chúng tôi rằng đây là một sai lầm. Hơn 3.000 xét nghiệm. 66 người dương tính, và được cách ly 14 ngày. Sau 2 tuần, 6 người vẫn còn dương tính. Đó là cách chúng tôi dần khống chế dịch. Và là bằng chứng cho thấy việc xét nghiệm hàng loạt thực sự có tác dụng”, ông Zaia bổ sung.

Nhân viên y tế ở Vò. Ảnh: EPA

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc xét nghiệm hàng loạt không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế (mỗi miếng gạc lấy mẫu xét nghiệm có giá khoảng 15 euro), mà còn liên quan đến vấn đề tổ chức.

Hôm thứ Ba, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ranieri Guerra, cho biết: “Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thúc giục việc xác định và chẩn đoán các trường hợp nghi nhiễm bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh càng nhiều càng tốt. Còn hiện tại, WHO chưa khuyến nghị xét nghiệm hàng loạt.”

Massimo Galli, Giáo sư Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Milan cảnh báo việc thực hiện các xét nghiệm hàng loạt có thể sẽ không có tác dụng.

“Không may, là các bệnh truyền nhiễm không ngừng thay đổi”, ông Galli nói với tờ Guardian. “Một người cho kết quả âm tính ngày hôm nay có thể sẽ nhiễm bệnh vào ngày mai.”

Theo Theo The Guardian