Ngày 28/7, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đưa ra những lời lẽ chỉ trích nhau kịch liệt, sau khi ông Erdogan tuyên bố không có lý do gì mà Thổ Nhĩ Kỳ không thể hành động. Ông cũng nhấn mạnh những lần can thiệp quân sự của nước này ở các quốc gia khác trước đây.
Dù những ngôn từ phi ngoại giao mà hai nước dùng để nói về nhau là điều diễn ra thường xuyên trong mấy tháng xung đột ở Dải Gaza, nhưng chuyện lần này diễn ra khi khu vực đang đứng trước nguy cơ leo thang hơn nữa.
Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Erdogan, Ngoại trưởng Israel Katz viết trong bài đăng trên mạng xã hội X, rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang “đi theo bước chân của cựu lãnh đạo độc tài Iraq Saddam Hussein” khi đe dọa tấn công Israel.
“Hãy nhắc ông ấy nhớ những gì đã xảy ra ở đó và mọi chuyện đã kết thúc như thế nào”, Ngoại trưởng Katz nhắc đến việc lực lượng Mỹ bắt giữ Tổng thống Iraq năm 2003, khi ông đang trốn trong một cái hố gần trang trại ở Tikrit. Ông Hussein sau đó bị xử tử.
Để đáp trả, Thổ Nhĩ Kỳ so sánh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với Adolf Hitler.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Giống như việc Đức quốc xã phải chịu trách nhiệm vì tội diệt chủng, những kẻ cố tiêu diệt người Palestine cũng sẽ bị như vậy. Nhân loại sẽ sát cánh với người Palestine. Các người sẽ không thể tiêu diệt người Palestine”.
Tổng thống Erdogan nhiều lần đưa ra những phát biểu quyết liệt để lên án chiến dịch tấn công của Israel vào Dải Gaza suốt 10 tháng qua. Lần này, trong bài phát biểu trước đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền, ông tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể can thiệp quân sự.
“Chúng ta cần phải rất mạnh mẽ để Israel không thể làm những điều lố bịch này với Palestine. Ngay khi chúng ta tiến vào Karabakh, giống như chúng ta vào Libya, chúng ta có thể làm điều tương tự với họ”, ông nói.
Năm 2020, với quan điểm ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibeh, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đến quốc gia Bắc Phi để hỗ trợ chính quyền đang bị đe doạ.
Ở khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, nơi đồng minh của Ankara là Azerbaijan đã chiến đấu suốt nhiều thập kỷ chống lại Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận tham gia vào bất kỳ hoạt động quân sự trực tiếp nào ở đó. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết hỗ trợ Azerbaijan bằng mọi phương tiện, bao gồm huấn luyện và hiện đại hóa quân sự, cùng với việc cung cấp máy bay không người lái chiến đấu tiên tiến và các thiết bị quân sự khác.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 29/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tự hào nói rằng Tổng thống Erdogan đã trở thành tiếng nói của “lương tri nhân loại”.
Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng sang Israel từ tháng 4 năm nay, sau đó cho biết họ đã tạm dừng hoàn toàn trao đổi thương mại với Israel từ đầu tháng 5.