Iran rơi vào tình cảnh khốc liệt

TPO - Các văn phòng chính phủ của Iran phải đóng cửa hoặc giảm giờ làm việc. Các trường học chuyển sang hình thức học trực tuyến. Đường cao tốc và trung tâm mua sắm chìm trong bóng tối, các nhà máy công nghiệp không có điện, khiến hoạt động sản xuất gần như dừng lại.

Người Iran đang phải sống trong tình cảnh mất điện triền miên. (Ảnh: Reuters)

Dù Iran có trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu thô thuộc mức lớn nhất thế giới, nhưng nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện. Nguyên nhân có thể là do hậu quả của nhiều năm bị trừng phạt, quản lý yếu kém, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, tiêu dùng lãng phí, và các cuộc tấn công có chủ đích của Israel.

"Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng rất nghiêm trọng về khí đốt, điện, năng lượng, nước, tiền tệ và môi trường. Tất cả đều ở mức có thể biến thành khủng hoảng", Tổng thống Masoud Pezeshkian nhấn mạnh trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình quốc gia.

Dù Iran đã gặp nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng trong mấy năm qua, nhưng Tổng thống Pezeshkian cảnh báo tình hình đã đạt đến ngưỡng nghiêm trọng.

Đất nước gần như đóng cửa trong hầu hết tuần qua để tiết kiệm năng lượng. Dù người dân Iran tức giận và các lãnh đạo công nghiệp cảnh báo tổn thất có thể lên tới hàng chục tỷ đô la, Tổng thống Pezeshkian không thể đưa ra giải pháp nào khác ngoài việc xin lỗi.

“Nếu Chúa muốn, năm tới chúng tôi sẽ cố gắng để điều này không xảy ra”, Tổng thống Pezeshkian nói.

Giới chức Iran cho biết, nước này cần lượng khí đốt lên tới khoảng 350 triệu m3 mỗi ngày. Khi nhiệt độ giảm mạnh và nhu cầu tăng đột biến, giới chức nước này đã phải dùng đến biện pháp cực đoan để phân phối khí đốt.

Chính phủ đứng trước 2 lựa chọn khắc nghiệt: Cắt dịch vụ khí đốt cho các hộ gia đình hoặc dừng cung cấp cho các nhà máy điện.

Họ đã chọn phương án thứ hai, vì việc cắt khí đốt cho các khu dân cư có thể dẫn đến nhiều mối nguy hiểm nghiêm trọng về an toàn và sẽ cắt nguồn nhiệt chính của hầu hết người dân Iran.

Ông Seyed Hamid Hosseini, một thành viên của ủy ban năng lượng thuộc Phòng Thương mại, nói với New York Times: "Chính sách của chính phủ là ngăn chặn bằng mọi giá biện pháp dừng cung cấp khí đốt và nhiệt cho các hộ gia đình".

"Họ đang cố gắng hết sức để quản lý cuộc khủng hoảng và hạn chế thiệt hại vì tình hình hiện nay giống như một thùng thuốc súng có thể phát nổ và gây bất ổn trên khắp cả nước", ông Hosseini nói.

Đến ngày 20/12, có đến 17 nhà máy điện đã ngừng hoạt động hoàn toàn và phần còn lại chỉ hoạt động một phần.

Tavanir, công ty điện lực nhà nước, cảnh báo các nhà máy sản xuất, từ thép đến thủy tinh, thực phẩm đến thuốc men, rằng họ cần chuẩn bị cho khả năng mất điện trên diện rộng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Tin tức này khiến toàn ngành công nghiệp nhà nước và tư nhân rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Mehdi Bostanchi, người đứng đầu Hội đồng điều phối các ngành công nghiệp của đất nước, một cơ quan đóng vai trò là cầu nối giữa các ngành công nghiệp và chính phủ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với New York Times từ Tehran, rằng tình hình hiện nay rất căng thẳng và không giống bất kỳ điều gì từng xảy ra.

Ông ước tính tổn thất chỉ riêng trong tuần qua có thể làm giảm 30-50% hoạt động sản xuất tại Iran, gây thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đô la. Dù không doanh nghiệp nào tránh được tổn thất, nhưng các nhà máy vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Tất nhiên, thiệt hại từ tình trạng mất điện đột ngột và lan rộng kéo dài cả tuần sẽ cực kỳ nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp", ông Bostanchi cho biết.

Thời điểm nhạy cảm

Cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra vào thời điểm cực kỳ khó khăn với Tehran về địa - chính trị.

Vị thế của Iran ở khu vực bị suy giảm nghiêm trọng sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và sự suy yếu của phong trào Hezbollah ở Li-băng. Sự trở lại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể mang đến những chính sách càng khiến kinh tế Iran bị bóp nghẹt.

Đồng rial của Iran rơi tự do trong tuần này, xuống mức thấp chưa từng có so với đô la Mỹ.

Tất cả những điều này khiến Chính phủ Iran trở nên dễ bị tổn thương trong nỗ lực xử lý từng cuộc khủng hoảng.

Một sự cố càng làm trầm trọng cuộc khủng hoảng năng lượng của Iran là việc Israel đã làm nổ tung 2 tuyến đường dẫn khí đốt của Iran vào tháng 2 năm nay. Hậu quả là Chính phủ Iran phải lặng lẽ sử dụng nguồn dự trữ khí đốt khẩn cấp để tránh gây gián đoạn dịch vụ cung cấp khí đốt cho hàng triệu người dân.

Tổng thống Pezeshkian từng nói rằng chính phủ của ông thừa hưởng một kho năng lượng suy kiệt và không thể khôi phục.

Theo các nghiên cứu quốc tế, khí tự nhiên chiếm khoảng 70% nguồn năng lượng của Iran, tỷ lệ cao hơn cả Mỹ và châu Âu. Chính phủ thực hiện một dự án đầy tham vọng nhằm đưa khí đốt đến mọi ngõ ngách của Iran, kể cả những ngôi làng nhỏ. Vì thế, khoảng 90% hộ gia đình Iran hiện nay đang dùng khí đốt để sưởi ấm và nấu nướng.

Theo NYT