Đây được coi là một động thái ngầm nhằm cảnh báo Ankara đang làm xấu đi các mối quan hệ với Tehran.
Ngày 2-6, Cố vấn quân sự của Đại Giáo chủ Iran Ali Khamenei - Tướng Yahya Rahim Safavi đã cáo buộc ba nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút và Qatar phục vụ lợi ích của phương Tây tại Syria.
Đây được coi là một động thái ngầm nhằm cảnh báo Ankara đang làm xấu đi các mối quan hệ với Tehran.
Hãng thông tấn Fars dẫn lời Tướng Safavi, cựu Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, nêu rõ Mỹ, Israel và một số nước châu Âu và vùng Vịnh, đặc biệt là Qatar và Arập Xêút, đã giao cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiệm vụ làm suy yếu hoặc lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo ông Safavi, Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút và Qatar đang hành động vì lợi ích của phương Tây nhằm "làm suy yếu trục kháng cự bao gồm Iran, Syria và Phong trào vũ trang Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon."
Trong hai năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trung gian giữa Iran và các cường quốc thế giới trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tuy nhiên, lập trường của Ankara về Syria khi kêu gọi ông Assad từ chức nhằm chấm dứt xung đột đẫm máu ở nước này gần đây đã gây tổn hại đến quan hệ giữa hai nước.
Phe đối lập ở Syria cáo buộc Iran cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Damascus, trong khi Tehran đưa ra cáo buộc tương tự đối với phương Tây và các nước Vùng Vịnh, cáo buộc các nước này đang vũ trang cho các phiến quân với sự giúp đỡ của Ankara.
Liên quan tới tình hình bạo loạn tại Syria, Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria ngày 2/6 đưa tin một chuẩn tướng quân đội nước này đã bị một nhóm vũ trang bắn chết cùng với lái xe riêng khi đang trên đường tới nhiệm sở tại khu vực ngoại ô Ghouta, phía Đông thủ đô Damascus.
Vụ ám sát diễn ra trong bối cảnh xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng nhằm vào các sỹ quan quân đội và bất kỳ ai thân Chính phủ Syria. Cuộc khủng hoảng tại nước này dường như đang ngả theo hướng bất đồng phe phái khi các vụ trả thù và xung đột phe phái đã tăng lên mức báo động trong những tháng gần đây.
Cộng đồng quốc tế hiện vẫn đang theo đuổi kế hoạch hòa bình sáu điểm theo sáng kiến của Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan.
Song một số nước hiện đã ủng hộ Qatar và Arập Xêút trong việc kêu gọi tài trợ vũ trang cho phe đối lập hòng lật đổ chế độ của Tổng thống al-Assad bằng vũ lực, thay vì ngồi vào bàn đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài 15 tháng qua.
Theo TTXVN