Hy vọng mới về loại siêu vắc-xin, có thể chống mọi biến chủng virus corona

TPO - Những người nhiễm SARS cách đây gần 2 thập kỷ mang lại hy vọng phát triển loại siêu vắc-xin có thể chống lại tất cả các biến chủng của SARS-CoV-2 và những virus corona khác, một nghiên cứu mới cho biết.
Những người từng nhiễm SARS nay được tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer có lượng kháng thể cao với COVID-19 cũng như phổ rộng các kháng thể chống lại 10 loại virus gây ra những bệnh về đường hô hấp khác.

Các nhà khoa học tại Trường Y Duke thuộc ĐHQG Singapore và Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm (NCID) cho biết đã tìm ra “kháng thể chức năng mạnh” ở những người từng bị SARS và được tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech.

Trong bài báo cáo đăng trên Tạp chí y học New England, nhóm nhà khoa học nói rằng những kháng thể này “có khả năng trung hoà không chỉ các biến chủng SARS-CoV-2 gây quan ngại, mà cả những virus corona từ động vật khác có thể tấn công người”. SARS-CoV-2 là virus gây ra bệnh COVID-19.

Gần 2 thập kỷ trước khi COVID-19 làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu, SARS đã càn quét châu Á và các quốc gia khác. Từ cuối năm 2002 đến giữa 2003, hơn 8.000 người trên thế giới nhiễm căn bệnh này.

Các quốc gia cuối cùng kiểm soát được SARS, nhưng COVID-19 là kẻ thù nguy hiểm hơn nhiều. Nhiều biến chủng của SARS-CoV-2 đã xuất hiện kể từ khi bắt đầu nổi lên vào cuối năm 2019. Biến chủng Delta hiện đang thống trị trên thế giới, với những đặc điểm nguy hiểm hơn chủng virus ban đầu 10 lần.

Hàng loạt quốc gia, nhất là châu Á, đang chật vật đối phó trong làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta hiện nay.

Sau khi đã tiêm cho 70% dân số, Singapore đang trông cậy vào tỷ lệ tiêm chủng cao để dần dần áp dụng chính sách sống chung với COVID-19. Nhưng nhiều quốc gia đã ghi nhận những trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc-xin vẫn nhiễm virus, làm dấy lên lo ngại rằng những loại vắc-xin hiện nay có thể chưa đủ để thực sự chấm dứt cuộc khủng hoảng.

“Những biến chủng virus chứng tỏ năng tránh miễn dịch ở mức độ nào đó mà thế hệ vắc-xin đầu tiên tạo ra”, PGS David Lye, giám đốc Văn phòng nghiên cứu và đào tạo về bệnh truyền nhiễm của NCID, nói.

Việc phát hiện các kháng thể trong những người từng nhiễm SARS và đã tiêm vắc-xin Pfizer “có tiềm năng giải quyết vấn đề khi thế giới tiếp tục tiêm vắc-xin để thoát khỏi đại dịch”, ông Lye nói.

Các nhà khoa học nói rằng đây là lần đầu tiên “phản ứng trung hoà chéo như vậy được phát hiện ở người”, mang lại hy vọng tìm ra một giải pháp hiệu quả hơn để đối phó với các loại virus corona khác nhau.

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra một chiến lược mới để phát triển các loại vắc-xin thế hệ mới, không chỉ giúp chúng ta khống chế đại dịch COVID-19 hiện nay mà còn có thể ngăn ngừa và giảm rủi ro của những đại dịch do những virus liên quan gây ra trong tương lai”, GS Wang Linfa tại trường Duke khẳng định.

Nghiên cứu của nhóm này phát hiện ra rằng, trước khi tiêm vắc-xin, những người từng nhiễm SARS trước đây chưa có hoặc có ít kháng thể trung hoà COVID-19. Sau khi tiêm 2 mũi Pfizer, tất cả những người từng mắc SARS trong phạm vi của nghiên cứu này đều có lượng kháng thể cao với COVID-19, cũng như phổ rộng các kháng thể chống lại 10 loại virus gây ra những bệnh về đường hô hấp khác.

Nhóm nghiên cứu hy vọng dữ liệu về những người từng nhiễm SARS và nay được tiêm vắc-xin Pfizer có thể được sử dụng để tạo ra loại vắc-xin hiệu quả cao hơn.

Nhóm nhà khoa học này đang tiến hành một nghiên cứu để phát triển vắc-xin thế hệ thứ 3 để chống các loại virus corona, cũng như kháng thể trung hoà phổ rộng dùng trong điều trị. Họ định sẽ tuyển những người từng nhiễm SARS năm 2003 tham gia các thử nghiệm.

Theo ST