Đề nghị hủy án
Mở đầu phần tranh tụng, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa trình bày quan điểm. Công tố viên cho biết, có 1 kháng nghị và 60 kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Cụ thể, 20 bị cáo, 1 bị hại, 10 nguyên đơn dân sự, 29 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có kháng cáo. Trên cơ sở kiểm tra các chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS bác 19 kháng cáo.
Trong phần luận tội bị cáo Huyền Như, đại diện VKS khẳng định Như đã chiếm đoạt tiền trong tài khoản tiền gửi thanh toán của 5 Cty Phương Đông, An Lộc, Hưng Yên, SBBS, Toàn Cầu, với tổng số tiền là 1.085 tỷ đồng. Số tiền các Cty này được gửi vào tài khoản mở tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ (Vietinbank chi nhánh TPHCM), đều là tài khoản hợp pháp.
Đại diện VKS cho biết, Huyền Như được lãnh đạo Vietinbank bổ nhiệm làm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ kiêm kiểm soát viên, được giao kiểm soát và phê duyệt các giao dịch chuyển tiền theo đúng hạn mức và cấp độ được phân quyền trong hệ thống Vietinbank.
“Bị cáo được truy cập vào hệ thống chuyển tiền INCAS để làm việc theo cấp độ phân quyền của người quản trị hệ thống, yêu cầu cấp mã khóa bảo mật để thực hiện nhiệm vụ được giao, được quyền từ chối xử lý các giao dịch sai quy chế, quy trình chuyển tiền hiện hành. Thời điểm này, Huyền Như được phê duyệt các giao dịch rút chuyển khoản lên đến 50 tỷ đồng”, đại diện VKS cho biết.
Công tố viên cho rằng, bị cáo Huyền Như lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để lập, phê duyệt các lệnh chi giả mạo danh nghĩa, chữ kí, con dấu của chủ tài khoản để chiếm đoạt tiền khách gửi tại Vietinbank. Điều này cũng cho thấy sự buông lỏng quản lý cùng những sai phạm diễn ra tại Vietinbank chi nhánh TPHCM trong thời gian dài, để Huyền Như thực hiện trót lọt hành vi phạm tội. Do đó, VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như thêm tội tham ô tài sản.
Buộc Vietinbank bồi thường
Đại diện VKS khẳng định lại 5 Cty Phương Đông, An Lộc, Hưng Yên, SBBS, Toàn Cầu là những khách hàng mở tài khoản và chuyển tiền một cách hợp pháp vào Vietinbank. Tại hồ sơ và qua xét hỏi công khai đều xác nhận việc gửi tiền của 5 Cty trên đều bắt nguồn từ sự dẫn dụ của Huyền Như nhưng tất cả những dẫn dụ đó là để các Cty này gửi tiền vào Vietinbank.
Cũng theo công tố viên, khi tiền đã gửi hợp pháp vào Vietinbank thì ngân hàng phải có trách nhiệm giữ, quản lý và sử dụng tiền của khách theo đúng quy định pháp luật. Nếu tiền của khách bị mất trong thời gian Vietinbank đang giữ tiền của họ thì Vietinbank phải chịu trách nhiệm, không phân biệt tiền gửi đó được gửi vào tài khoản thanh toán hay tài khoản tiết kiệm, tài khoản tiền gửi có kỳ hạn... Vietinbank để nhân viên của mình chiếm đoạt, làm mất tiền của khách, thì phải có trách nhiệm bồi thường.
Do đó, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên buộc Vietinbank bồi thường cho 5 Cty trên với tổng số tiền 1.085 tỷ đồng. Trong trường hợp này, Vietinbank được xác định là bị hại trong vụ án nên Vietinbank có quyền yêu cầu Huyền Như phải bồi thường tiền đã chiếm đoạt.
Bác kháng cáo của Ngân hàng ACB
Ngược lại, đại diện VKS đã bác đơn kháng cáo của ACB và 19 nhân viên ACB, vì cho rằng bản án sơ thẩm xác định ACB tham gia tố tụng với tư cách là “nguyên đơn dân sự” trong mối quan hệ với hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như và buộc Huyền Như bồi thường thiệt hại cho ACB là đúng pháp luật, đúng bản chất vụ án. Theo công tố viên, ACB biết rõ những quy định về hoạt động và nghiệp vụ ngân hàng liên quan đến tiền gửi và hoàn toàn có khả năng kiểm tra, kiểm soát dòng tiền phi pháp dù đã được gửi vào Vietinbank.
“Tuy nhiên, những người được giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý các khoản tiền này vì động cơ, lợi ích cá nhân nên đã bỏ mặc, không quan tâm. Việc mất tiền của ACB xuất phát từ lỗi của lãnh đạo ACB, của Huỳnh Thị Bảo Ngọc (móc nối với Huyền Như) và của các nhân viên ACB, tạo thuận lợi cho Huyền Như chiếm đoạt dễ dàng”, vị đại diện VKS khẳng định.
Đại diện VKS cũng cho rằng chính ACB đã thiết lập các giao dịch gửi tiền trái pháp luật nên ACB không được pháp luật công nhận, bảo vệ. Do đó, ACB phải tự chịu trách nhiệm về những hậu quả thiệt hại xảy ra, trong trường hợp này Vietinbank không có lỗi.
ACB phản pháo
Không đồng tình với quan điểm luận tội của đại diện VKS, luật sư bảo vệ quyền lợi của ACB cho rằng, việc Huyền Như chiếm đoạt tiền của 19 nhân viên ACB chẳng khác gì với hành vi Như chiếm đoạt tiền của 5 Cty Hưng Yên, An Lộc, Phương Đông, Toàn Cầu, SBBS. “Việc ACB gửi tiền vào Vietinbank và 5 Cty này gửi tiền vào Vietinbank là giống nhau hoàn toàn cả về hình thức, nội dung”.
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên nói: “Khi kết luận Vietinbank phải chịu trách nhiệm trả tiền cho 5 Cty trên, VKS đã nêu rất rõ về trách nhiệm của Vietinbank, đã khẳng định trách nhiệm này không phụ thuộc vào nguồn gốc tiền gửi, vào lãi suất mà chỉ quan tâm đến tài khoản có thật tại Vietinbank. Nhưng ngược lại, với khoản tiền của nhân viên ACB, tài khoản có thật tại Vietinbank, tiền thật cũng chuyển vào cho Vietinbank, hợp đồng thật, chữ ký và con dấu thật thì sao lại không được thừa nhận? Đề nghị trong quá trình tranh luận, VKS nêu rõ các căn cứ pháp lý cho sự phân biệt này”.
Các luật sư bảo vệ ACB đề nghị tòa tuyên hủy phần dân sự liên quan đến ngân hàng này, ngay sau khi đại diện VKS bác đơn kháng cáo của ACB và 19 nhân viên, bác yêu cầu Vietinbank phải bồi thường 718 tỷ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt.
Hôm nay, tòa tiếp tục phần tranh tụng.
Kiến nghị khởi tố cựu lãnh đạo Vietinbank TPHCM
Đại diện VKS đã kiến nghị khởi tố ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương, cả hai nguyên là Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án. Công tố viên cũng kiến nghị xem xét, làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẽ, nguyên Giám đốc Vietinbank chi nhánh TPHCM.