Huyện giao trồng cây, xã xây lò gạch

TP - Các lò gạch ở xã Ngọc Tảo (Phúc Thọ - Hà Nội) đang xóa sổ hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp của bà con nông dân.
Hàng chục dự án treo ở Khu công nghiệp Nam Cấm bị thu hồi giấy phép
Hàng chục dự án treo ở Khu công nghiệp Nam Cấm bị thu hồi giấy phép.

Do muốn chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, năm 2007, UBND xã Ngọc Tảo đã giao một phần đất ruộng đồng cho một số cá nhân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, nuôi thả cá. Tuy nhiên sau khi được giao hơn 57.000m2 đất tại các cánh đồng của thôn Phú Thịnh xã Ngọc Tảo, thay vì trồng cây, thả cá như mục tiêu đặt ra, một số chủ thầu đã cho san ủi xây lò, đốt gạch.

Các hộ dân có ruộng bị biến thành lò gạch cho rằng, không chỉ bị ông Nguyễn Văn Sinh (đại diện người thuê đất) thất hứa mà UBND xã còn ký hợp đồng giao hơn 13.000m2 đất trái quy định, tạo cơ sở cho ông Sinh tiếp tục thoả thuận với dân để có thêm 29.000m2 đất nông nghiệp làm lò gạch.

“Do ông Sinh không thực hiện đúng cam kết, thỏa thuận nên chúng tôi muốn ông Sinh dừng lại việc đốt gạch để không ảnh hưởng môi trường cũng như mặt bằng sản xuất nông nghiệp sau này”, anh Đỗ Văn Vân, một trong các hộ dân có đất cho ông Sinh thuê ở thôn Phú Thịnh nói.

Sau nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện không thành hiện nhiều người dân ở thôn Phú Thịnh đã kéo nhau ra đồng, lập lán trại ngăn cản, không cho các chủ lò đốt gạch, chở gạch. Hiện, diện tích ông Sinh thuê được của xã và bà con ở đây để sản xuất gạch là hơn 57.000m2, trong đó có trên 29.000m2 là đất hai lúa tại thôn Phú Thịnh.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg về việc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trước ngày 31-12-2010, nhưng trên địa bàn xã Ngọc Tảo (Phúc Thọ) hiện vẫn hơn 10 lò gạch thủ công hoạt động đêm ngày và nhả khói vào khu dân cư.

Theo quy định, UBND các xã, phường, thị trấn chỉ được phép cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp để sử dụng cho mục đích công ích. Tuy nhiên, trong hợp đồng số 37 ngày 15-12-2007, UBND xã Ngọc Tảo đã ký giao khoán hơn 13.000m2 đất công ích thuộc xứ đồng Lải Cát thôn Phú Thịnh để giao cho ông Nguyễn Văn Sinh quản lý, sử dụng.

Với mục đích làm lán trại, vỏ lò tạm, ông Sinh được sử dụng quỹ đất này trong vòng 5 năm, bắt đầu từ thời điểm ký hợp đồng đến tháng 12-2012. Sau khi có hợp đồng này, ông Sinh đã tiếp tục tự thoả thuận và ký tiếp hợp đồng với các hộ dân để có thêm 29.000m2 đất nông nghiệp ở thôn Phú Thịnh để chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trung Tình, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ cho biết, tận dụng các phần đất chưa sử dụng và cũng muốn bà con chuyển đổi sản xuất cây trồng, năm 2007 xã ký hợp đồng giao khoán một phần quỹ đất công cho ông Nguyễn Văn Sinh thực hiện các nhiệm vụ trên.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, ông Sinh đã không thực hiện đúng cam kết nên xã đã ra quyết định đình chỉ các hoạt động kinh doanh này. “Cùng với đó chúng tôi cũng yêu cầu, chậm nhất từ nay đến cuối năm ông Sinh phải giải tán các lò gạch thủ công hiện có”, ông Tình thông báo.

Về việc xã không có thẩm quyền, nhưng năm 2007 vẫn giao khoán đất cho tư nhân, ông Tình cho rằng, đây là những sai sót của một số cán bộ xã khoá trước, vừa qua xã đã kịp thời chấn chỉnh và đã xử lý những người có liên quan.

Theo Báo giấy