Hướng mới trong điều trị ‘bệnh khó nói’ của chị em

TPO - Theo thống kê, cứ 10 phụ nữ thì có 1 người mắc lạc nội mạc tử cung – căn bệnh khó nói của chị em. Tình trạng này không chỉ làm suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ, mà còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, cho biết lạc nội mạc tử cung là một bệnh phụ khoa mạn tính phổ biến, có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, chất lượng cuộc sống và khả năng sinh sản của phụ nữ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến phụ nữ khó mang thai,nguy cơ bị vô sinh, tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng và các ung thư tuyến dạng nội mạc tử cung.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam phát biểu.

Vừa qua, một dự án đào tạo quốc tế với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đã cung cấp kiến thức lâm sàng cập nhật nhất cho hơn 500 bác sĩ, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung, giảm thiểu biến chứng, bảo toàn chức năng sinh sản, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh tại Việt Nam. Chương trình thuộc Dự án Đào tạo quốc tế nâng cao về lạc nội mạc tử cung do Hội Phụ sản Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Lạc nội mạc tử cung thế giới và Abbott Việt Nam thực hiện.

“Tuy vậy, nhiều triệu chứng của lạc nội mạc tử cung thường tương đồng với biểu hiện của các bệnh lí khác khiến việc chẩn đoán chính xác và kịp thời gặp khó khăn. Một số phụ nữ phải chung sống với căn bệnh trong nhiều năm – trung bình mất 7 năm để được chẩn đoán bệnh, thậm chí là trong suốt độ tuổi sinh sản”, GS Tiến nói.

Theo các chuyên gia quốc tế tại hội nghị, thách thức đối với bệnh lạc nội mạc tử cung không chỉ dừng ở việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Mỗi bệnh nhân lại có đặc điểm, điều kiện, nguyện vọng khác nhau, đòi hỏi phác đồ điều trị cần được cá thể hóa để mang lại kết quả tối ưu. Ví dụ với người bệnh đang trong độ tuổi sinh sản, việc giảm đau an toàn và bảo toàn chức năng sinh sản là ưu tiên hàng đầu. Bác sĩ điều trị có thể cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị bằng hormones như dydrogesterone để đáp ứng mục tiêu này.

Các chuyên gia quốc tế trao đồi về bệnh lạc nội mạc tử cung

Việc khai thác kĩ bệnh sử và dành thời gian trao đổi chi tiết với bệnh nhân sẽ giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả cho cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân nói chung, trong đó có phụ nữ luôn là ưu tiên hàng đầu của ngành y tế tại Việt Nam. Theo Bộ Y tế, năm 2024 tập trung cải thiện tình trạng chăm sóc sức khỏe sinh sản, hướng đến mục tiêu nâng cao sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. "Nhằm hỗ trợ chuyên gia y tế trong chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe phụ nữ nói chung và lạc nội mạc tử cung nói riêng, những chương trình đào tạo quốc tế như i-TEA đóng vai trò quan trọng để cập nhật những thông tin và nghiên cứu lâm sàng mới nhất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị". GS. TS Nguyễn Viết Tiến nói.