Hướng đi mới của vịt thương phẩm xứ Lạng

TPO - Nhằm góp phần nâng cao thương hiệu “vịt quay xứ Lạng” cũng như vịt nuôi thịt đặc sản nổi tiếng của địa phương, các ngành chức năng địa phương đã phổ biến nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

Những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã mạnh dạn đầu tư, phát triển chăn nuôi vịt thương phẩm. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân nâng cao thu nhập và góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện phát triển. Nhất là gần đây Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định tổ chức các lớp truyền dạy kinh nghiệm chăn nuôi vịt thịt tạo vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP năm 2024.

Theo báo cáo, mô hình chăn nuôi vịt thịt tạo vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP năm 2024, quy mô 4.650 con vịt thịt giống Super M, triển khai tại 02 xã Hùng Việt và Tri Phương của huyện Tràng Định với trên 50 hộ dân tham gia dự án. Trao đổi với phóng viên,

Người dân Lạng Sơn chăn nuôi vịt trong tự nhiên nên chất lượng thịt thơm, ngon.

Mô hình phát triển chăn nuôi vịt thương phẩm ở huyện Tràng Định, Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Duy Hà, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, đơn vị đã bố trí cấp phát con giống và vật tư chăn nuôi cho các hộ tham gia ở Tràng Định làm 2 đợt khác nhau.

Tại xã Tri Phương, thực hiện cấp phát hỗ trợ 2.000 con vịt giống và vật tư. Sau 56 ngày đưa vào thả nuôi, đàn vịt đạt trọng lượng bình quân 3,7 kg/con, đạt 100% chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đề ra. Tại xã Hùng Việt, thực hiện cấp phát hỗ trợ 2.650 con vịt giống và vật tư. Sau 45 ngày đưa vào thả nuôi, đàn vịt đạt trọng lượng bình quân 3,4 kg/con.

Theo kế hoạch đề ra, đàn vịt đến 56 ngày tuổi sẽ cho xuất chuồng. “Về liên kết tiêu thụ sản phẩm, cơ sở vịt quay OCOP Thu Hằng ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã ký kết Hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các hộ tham gia mô hình. Đến nay, đàn vịt thương phẩm 2.000 con giống Super M triển khai tại xã Tri Phương đã tiêu thụ hết và hộ dân đã tổ chức nuôi tái đàn với số lượng 1.000 con”, ông Nguyễn Duy Hà chia sẻ.

Các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn tổ chức các hội nghị tập huấn chăn nuôi vịt theo tiêu chuẩn OCOP thu hút sự tham gia của đông đảo người nông dân địa phương.

Thông qua quá trình triển khai mô hình, các hộ tham gia và các hộ nông dân có nhu cầu phát triển chăn nuôi vịt ở các xã lân cận đã tiếp nhận được kỹ thuật chăn nuôi quy mô lớn, quản lý theo quy trình an toàn sinh học, từng bước chuyển đổi chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ mang tính chất tận dụng sang chăn nuôi có sự đầu tư quy mô lớn, phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm OCOP thương hiệu “Vịt quay Lạng Sơn”; góp phần thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.