Hợp tác công - tư tạo động lực phát triển du lịch

Thu hút đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng du lịch là hướng đi đang được nhiều địa phương áp dụng, trong đó có Ninh Bình và Hà Nam. Đây là hai tỉnh phía tây nam đồng bằng sông Hồng sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, có thể bắt tay liên kết, nâng cao khả năng cạnh tranh du lịch.
Khu du lịch Tràng An (ảnh lớn) và chùa Bái Đính của tỉnh Ninh Bình là những điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: XUÂN LÂM

Dấu ấn tăng trưởng du lịch Ninh Bình

Những năm gần đây, Ninh Bình ghi dấu ấn bằng những bước tăng trưởng ấn tượng trên bản đồ du lịch Việt Nam. 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượng khách của tỉnh đạt khoảng 12,5%/năm. Năm 2018, Ninh Bình đón gần 7,4 triệu lượt khách, tăng 4,6% so với năm 2017, trong đó khách nội địa 6,5 triệu lượt (tăng 4,9%), khách quốc tế 876.000 lượt (tăng 2,1%). Doanh thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2017, vượt chỉ tiêu kế hoạch Đảng bộ tỉnh đề ra. Chỉ riêng bảy tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã đón gần 5,8 triệu lượt khách, đạt 77,24% so với kế hoạch cả năm, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử với gần 1.500 di tích giúp Ninh Bình khẳng định vị thế là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Ninh Bình đứng đầu danh sách 50 điểm đến hợp lý nhất thế giới năm 2018 do một tờ báo uy tín của Mỹ bình chọn. Những địa danh như: cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, vườn chim Thung Nham, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long…, nhất là quần thể danh thắng Tràng An - di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông - Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đã góp phần tạo dựng uy tín thương hiệu du lịch cho mảnh đất cố đô.

Làm nên sự phát triển mạnh mẽ ấy, bên cạnh thế mạnh về tài nguyên, cần nói tới tầm nhìn cũng như cách thức khai thác, phát triển du lịch của địa phương. Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư kinh phí, nguồn lực, triển khai hàng loạt biện pháp cho công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến như: thường xuyên mời các hãng lữ hành, nhà báo trong nước, quốc tế tới trải nghiệm để định hình các tuyến, điểm, sản phẩm; tạo điều kiện để các đoàn làm phim quốc tế tới ghi hình nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá; tích cực tham gia các hội thảo, hội chợ du lịch lớn trong nước, quốc tế; đẩy mạnh du lịch thông minh… Góp phần tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho du lịch Ninh Bình thời gian qua phải nói tới thành công từ hợp tác công - tư. Với phương châm xã hội hóa du lịch, Ninh Bình có nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, cá nhân cùng đầu tư phát triển du lịch. 5 năm qua, toàn tỉnh thu hút hơn 30 dự án của các tổ chức, cá nhân với số vốn đăng ký lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Những dự án như: xây dựng khu du lịch hồ Đồng Thái, trung tâm du lịch thể thao sân gôn hồ Yên Thắng, hay tuyến đường bộ vào khu du lịch sinh thái Thung Nham… đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho du lịch Ninh Bình.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Quần thể danh thắng Tràng An, di sản có tổng diện tích 12.000 ha chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, thẩm mỹ và địa chất, địa mạo. Trong số những dự án du lịch thu hút vốn đầu tư tư nhân ở Ninh Bình, tiêu biểu phải kể đến những công trình được xây dựng, tôn tạo bằng nguồn kinh phí lớn như: chùa Bái Đính, công trình tâm linh phật giáo đã xác lập nhiều kỷ lục châu Á với bộ Tam Thế bằng đồng lớn nhất, hành lang La Hán dài nhất… Theo thống kê, 80% lượng khách tới Ninh Bình đều tìm đến Tràng An - Bái Đính. Những năm gần đây, các điểm đến này đã trở thành biểu tượng của du lịch Ninh Bình, là hạt nhân kết nối những điểm đến khác để hình thành tua, tuyến hoàn chỉnh; đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 20.000 lao động, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những công trình tầm vóc này giúp Ninh Bình xác lập thế mạnh là điểm đến của những sự kiện có quy mô thế giới, từ đó thu hút khách quốc tế, định vị vị thế du lịch Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ khi đi vào hoạt động, chùa Bái Đính đã trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Hội thảo khoa học Phật giáo thế giới; Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững do Tổ chức Du lịch Thế giới tổ chức; nhất là Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014 với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu quốc tế đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng hàng chục nghìn phật tử trong nước, nước ngoài…

Đó là kết quả tích cực từ việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư trong phát triển du lịch. Đây cũng là hướng đi đang được Hà Nam kỳ vọng sẽ làm thay đổi vị thế du lịch tỉnh này, nhất là với sự xuất hiện của khu Du lịch Tam Chúc, công trình văn hóa tâm linh lớn bậc nhất thế giới đang được đầu tư xây dựng tại Ba Sao, cũng là nơi vừa được lựa chọn tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019. Tọa lạc trên vùng đất địa linh với thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ, điểm nhấn của khu Du lịch Tam Chúc là khu tâm linh được quy hoạch trên diện tích hơn 140 ha ở sườn núi phía tây. Đây là nơi có nhiều kiệt tác đồ sộ như: hơn 30.000 bức tranh đá tinh xảo ở các điện Tam Thế, Pháp chủ, Quan Âm, ba tượng Phật Tổ bằng đồng nặng hàng trăm tấn…

Tại Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019, chùa Tam Chúc đã đón khoảng hơn 20.000 đại biểu trong nước, quốc tế đến từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng hàng chục nghìn phật tử trên toàn quốc. Sự kiện này không chỉ là hoạt động đối ngoại quan trọng mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và tiềm năng du lịch tâm linh Hà Nam đến bạn bè quốc tế. Dù công trình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng Tam Chúc đã trở thành “từ khóa” thu hút du khách đến với Hà Nam. Theo thống kê, mùa lễ hội đầu năm 2019, khu Du lịch Tam Chúc đón bình quân 7.000 đến 8.000 lượt khách/ngày, hiện nay là 3.000 đến 5.000 khách/ngày, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng khách du lịch toàn tỉnh. Năm 2018, tỉnh đón gần 1,3 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 296 tỷ đồng. Trong sáu tháng đầu năm nay, lượng khách đến Hà Nam tăng trưởng đột biến với hơn 1,6 triệu lượt khách, tăng 112% so với cùng kỳ năm 2018, tổng thu du lịch đạt 370 tỷ đồng. Tam Chúc đặt chỉ tiêu đến năm 2025 đón khoảng 3,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 470 nghìn lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.100 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 2.400 lao động, trong đó có 900 lao động trực tiếp. Mục tiêu này nếu hoàn thành sẽ giúp Hà Nam trở thành trọng điểm du lịch của khu vực đồng bằng sông Hồng. Thành công từ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019 đã chứng tỏ được tiềm năng của Hà Nam trong đăng cai tổ chức những sự kiện có quy mô quốc tế, qua đó cải thiện vị thế thương hiệu du lịch địa phương. Lâu nay, dù sở hữu nhiều tài nguyên để phát triển du lịch di sản - văn hóa với hơn 1.700 di tích các loại, lại nằm ở cửa ngõ quan trọng của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía nam Thủ đô Hà Nội, nhưng Hà Nam hầu như vẫn chỉ là điểm ghé qua trên hành trình du lịch, chưa hút được nhiều lượt khách lưu trú do thiếu những khu du lịch, sản phẩm du lịch có điểm nhấn. Vì thế, việc thu hút đầu tư để xây dựng những điểm đến quy mô, có sức hấp dẫn du khách như Tam Chúc - Ba Sao đang mở ra nhiều triển vọng để liên kết với những điểm di tích, danh lam có giá trị chung quanh như động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, đền Lê Chân, chùa Tam Giáo… tạo thành những tua, tuyến đặc sắc. Đồng thời, sự xuất hiện của khu Du lịch Tam Chúc với quy hoạch sẽ trở thành khu du lịch quốc gia cũng gia tăng thêm thế mạnh liên kết cho Hà Nam với các tỉnh phụ cận.

Liên kết phát triển du lịch tâm linh

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Hà Nam xác định dòng sản phẩm du lịch sinh thái - tâm linh sẽ là sản phẩm chiến lược, lấy khu Du lịch quốc gia Tam Chúc làm trọng tâm phát triển gắn kết với các khu du lịch trong vùng. Theo ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam, hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái - tâm linh với các khu, điểm du lịch nổi tiếng. Khu du lịch Tam Chúc được xem như gạch nối giữa chùa Hương (Hà Nội) với khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc (Ninh Bình), tạo thành quần thể du lịch tâm linh - sinh thái vùng ngập nước. Khoảng cách địa lý giữa các khu, điểm du lịch cũng thuận lợi, dễ dàng kết nối tuyến, tua. Thêm nữa, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ khu Du lịch Tam Chúc đến quần thể Tràng An - Bái Đính và chùa Hương đã được quy hoạch. Khi tuyến đường này hoàn thành, sẽ tạo thành “tam giác vàng” về du lịch tâm linh, sinh thái kết nối những khu du lịch tâm linh lớn nhất miền bắc để thu hút du khách. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả thì chỉ dựa vào thuận lợi về giao thông, hạ tầng là chưa đủ, còn cần kết nối dựa trên sự liên kết về mặt tâm linh giữa các điểm đến, từ đó tạo điểm nhấn cũng như sự khác biệt của từng địa danh du lịch. Trên tuyến đường tâm linh nối Chùa Bái Đính - Tràng An - Vân Long - Chùa Tam Chúc - Chùa Hương, có thể tổ chức nhiều chương trình du lịch hành hương tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc như: con đường tâm linh theo các di tích từ thời Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần; hành hương theo dấu chân thiền sư Nguyễn Minh Không… Nhiều chuyên gia đánh giá, sự hình thành cung đường này chắc chắn sẽ tạo cú huých mạnh mẽ cho sự phát triển du lịch các tỉnh phía bắc.

Trong hợp tác phát triển du lịch, chính quyền các địa phương giữ vai trò đầu tàu quan trọng để tạo cầu nối, cơ chế hỗ trợ; song kết quả còn phụ thuộc rất nhiều vào sự liên kết, phối hợp của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch. Do đó, thu hút đầu tư, thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trên cơ sở phát huy vai trò quản lý nhà nước là giải pháp quan trọng để tạo ra những sản phẩm du lịch thế mạnh cũng như khả năng liên kết, hợp tác để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng du lịch.

 
Theo Theo Báo Nhân dân