Bác sĩ Nguyên nhận định, bệnh nhân dùng quá liều thuốc, dẫn đến ngộ độc, cộng thêm tiền sử viêm gan B làm tăng tình trạng nặng của bệnh. Hiện bệnh nhân bị hôn mê gan, tiên lượng rất nặng, sốt cao chưa xác định nguyên nhân, có thể có nhiễm trùng.
Các bác sĩ cho biết, khác với ngộ độc do chủ định uống để tự tử, bệnh nhân được người thân biết ngay, đưa đến viện sớm. Còn ngộ độc Paracetamol vì uống thuốc với mục đích giảm đau, hạ sốt nhiều khi ngay cả bệnh nhân cũng không biết mình ngộ độc. Chỉ đến khi cơ thể mệt mỏi, vàng da, viêm gan rồi mới đến viện thì đã quá muộn.
Triệu chứng thường gặp khi ngộ độc Paracetamol là chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Sau 1- 2 ngày, có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu. Khi ngộ độc, nồng độ Paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, sẽ làm chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan.
Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp, đến thận gây suy thận, thậm chí thấm vào não khiến trẻ bị hôn mê…Trong trường hợp nặng bệnh nhân kích động, mê sảng, suy hô hấp và có thể tử vong do suy đa tạng (thận, gan).