Hơn 170 dự án FDI ngành bán dẫn đăng ký đầu tư ở Việt Nam

TPO - Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Nhiều màu sáng tối đan xen

Tại Tọa đàm đối thoại chính sách “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và Triển vọng 2025” ngày 3/1, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, theo báo cáo của VEPR, bức tranh kinh tế 2024 có những gam màu sáng tối đan xen.

Vốn FDI tăng qua các năm.

Trong 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 24,31 tỷ USD. Trong các tháng cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu có phần trầm lắng hơn so với giai đoạn sôi động của tháng 7 và 8.

Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Nguồn vốn FDI trong năm qua phần lớn tập trung vào các ngành có giá trị cao như điện tử, chất bán dẫn và công nghệ xanh.

Tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1%, đánh dấu mức cao nhất trong 5 năm qua. Tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Tổng thu Ngân sách Nhà nước có sự tăng trưởng, khu vực tư nhân ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong đóng góp thu ngân sách Nhà nước.Dù vậy, ông Việt cho rằng, kinh tế trong nước vẫn còn một số tồn tại như chi tiêu hộ gia đình Việt Nam yếu, động lực tăng trưởng tiêu dùng nội địa chủ yếu đến từ doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 17,3. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công 11 tháng vẫn chưa đạt mức mục tiêu.

Năm 2025 vượt "cơn gió ngược" thế nào?

Để nền kinh tế Việt Nam vượt “cơn gió ngược” năm 2025, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng, Việt Nam cần ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn; các chính sách vĩ mô cần ban hành một cách cẩn trọng, có đánh giá tác động đa chiều và có lộ trình cụ thể.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện VEPR.

Theo ông Việt, việc thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại đầu tư toàn cầu. Ông Việt cũng đề cập tới những vấn đề rủi ro trong ngắn hạn, giải pháp trung và dài hạn để xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm...

Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho năm 2025, các giải pháp quyết liệt về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là rất cần thiết.

"Cần tập trung giải quyết các rào cản, điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế theo hướng phá bỏ những quy định, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không phù hợp với cơ chế thị trường. Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế. Thêm vào đó, cần có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa Chính phủ, các cấp quản lý để đẩy nhanh quá trình cải cách", ông Cung cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trong năm 2025, doanh nghiệp cần chú trọng cơ cấu lại hoạt động và kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền thông qua các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, và lãi suất... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị và quản lý rủi ro, đặc biệt là các rủi ro pháp lý, tài chính, thông tin - dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa, và các biện pháp bảo hộ thương mại....

Ông Lực cũng nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như lợi ích từ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia... để thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững và gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.