Hồi ức từ 'Khu phố hủy diệt'

“B52 à? Cái ký ức về đêm mùa đông năm 1972 ở trên con phố này ám ảnh tôi tròn 40 năm nay. Nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy đồng đội tôi - những chiến sĩ công an của Đồn số 42, những gương mặt hiền lành của bà con hàng phố, những âm thanh của bom nổ, tiếng người lạc giọng gọi tìm nhau...

Hồi ức từ 'Khu phố hủy diệt'

> Bí mật căn hầm dưới trụ sở báo Tiền Phong thời B.52

> Những anh hùng ‘khắc tinh’ ngáo ộp B52

“B52 à? Cái ký ức về đêm mùa đông năm 1972 ở trên con phố này ám ảnh tôi tròn 40 năm nay. Nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy đồng đội tôi - những chiến sĩ công an của Đồn số 42, những gương mặt hiền lành của bà con hàng phố, những âm thanh của bom nổ, tiếng người lạc giọng gọi tìm nhau...

Phố Khâm Thiên đổ nát sau đêm 26-12-1972 .
 

Thế hệ của chúng tôi, có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên quá khứ bi thương đó” - ông Vũ Xuân Trường - người cảnh sát khu vực phụ trách khu phố 47 nói trong nước mắt khi câu hỏi của tôi chạm vào một phần ký ức đau buồn của ông. Khu phố ông phụ trách cùng với khu phố 45 và 46 sau đêm 26-12 được mệnh danh là “Khu phố huỷ diệt”.

Đồn Công an số 42 ngày đó (nay là Công an Phường Khâm Thiên) có 23 đồng chí, 3 chỉ huy, 15 cảnh sát khu vực và 5 đồng chí phụ trách trật tự. CBCS hầu hết còn trẻ, tuổi đời chỉ ngoài 20, chưa lập gia đình. Xưa nay, cái nghiệp công an vốn không dễ dàng và nhàn hạ, công an thời chiến lại càng khó khăn, thiếu thốn gấp bội.

Ngày đó, mỗi đồng chí công an đều được phát một chiếc “xắc cốt” (sacoche) đeo ngang hông, bên trong có một cái bút, một cuốn sổ, cùng chiếc đèn pin. Tuy nhiên, “xắc cốt” của CSKV Đồn 42 còn để đựng rất nhiều chìa khóa. Số là, dân đi sơ tán, tin tưởng và cậy nhờ, gửi CSKV giữ hộ chìa, khi nào về thì đến lấy, rồi đêm 30, sáng mồng 1 Tết lại nhờ CSKV mở cửa vào nhà thắp hộ nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, để năm mới các cụ có về sẽ đỡ cô quạnh, hương lạnh khói tàn. Bắt đầu từ năm 1972, có lệnh sơ tán.

CSKV lúc đó là lực lượng nòng cốt tập trung vận động nhân dân đi sơ tán, bảo vệ tài sản của dân khi họ vắng nhà. 21h hàng ngày, số liệu chính xác những di biến động về nhân khẩu phải được báo về các cấp chỉ huy. Khi có lệnh báo động, CSKV cũng là người khẩn trương vận động nhân dân xuống hầm trú ẩn. Khi nào tính mạng, tài sản của dân được đảm bảo, khi đó, công an mới nghĩ đến sự an toàn của bản thân.

2. 22h30 đêm 26-12, B52 Mỹ ào ạt trút bom xuống Khâm Thiên, vệt bom kéo dài hơn 1.000m, rộng 50 đến 60m. Nhà cửa, trường học, trạm y tế, nhà máy xí nghiệp, kho gạo... bị thổi bay, thay vào đó là những hố bom khổng lồ ngoác miệng.

Xí nghiệp giầy trên phố Khâm Thiên dính bom bùng cháy cộng với những những đám cháy rải rác trong nội thành Hà Nội khiến bầu trời đêm đó nhuốm một màu vàng ệch. Không đợi còi báo yên, ngay khi tiếng bom vừa dứt, tất cả CBCS Đồn số 42 đều lao đến từng khu vực mình được phân công phụ trách để khắc phục hậu quả, cứu người còn kẹt dưới những đống đổ nát.

Ông Vũ Xuân Trường kể, lúc ông và những đồng đội của mình lao lên khỏi hầm, ông vẫn còn nghe thấy tiếng đồng chí Quảng đồn trưởng gọi với theo dặn dò “Các đồng chí chú ý đề phòng bom nổ chậm”.

Ông Vũ Xuân Trường - nguyên cánh sát khu vự khu phố 47, Đồn Công an 42-Khâm Thiên.
 

Sau cơn tàn sát đẫm máu của Không lực Hoa Kỳ, khu phố lao động nghèo Khâm Thiên hoàn toàn biến dạng, tất cả chỉ còn là đống đổ nát. Anh cảnh sát trẻ Vũ Xuân Trường chạy vòng từ Cống Trắng, sang ngõ Khâm Đức thì gặp ông Trương Văn Vị (người dân hàng phố quen gọi là ông Tư) run rẩy chỉ vào chiếc hầm cá nhân bị bom “bóp” méo, vợ ông - bà Thuận đang ngất dưới đó trong tư thế ngồi, máu trên đầu tuôn xối xả.

Cho đến bây giờ, ông Trường vẫn không thể lý giải nổi, động lực nào đã khiến một thanh niên trẻ, cân nặng chưa đầy 50kg kéo được người phụ nữ nặng ngoài 60kg từ dưới hầm lên rồi cứ thế cõng trên lưng mà chạy.

Từ địa điểm cứu người bị thương chạy ra đến trục đường chính chỉ có 30m, nhưng bom khoét, nhà cửa đổ nát lấp đường, thế là phải đi vòng, ông Tư cầm đèn pin chạy phía sau soi đường, CSKV Trường cõng người bị thương chạy phía trước, chạy hết Khâm Đức, quay về Cống Trắng thì mới tìm được lối ra đường chính.

Thời điểm này ngoài trục đường chính vắng lặng. Vừa kịp lúc, một chiếc xe “xít đờ ca” chạy qua. Ông Trường nhao ra chặn đường, yêu cầu xe dừng lại đưa người bị thương đi cấp cứu. Tình cờ, chiếc xe mà anh CSKV Đồn số 42 Vũ Xuân Trường chặn lại hôm đó chính là xe của Phó Giám đốc Sở Công an, Đại tá Cáp Xuân Diệm, đang trên đường đi thị sát tình hình.

Thấy tình cảnh đó, Phó Giám đốc Sở Công an vội vàng xuống xe, đỡ người bị thương và bảo: “Đồng chí cứ để người bị thương ở đây, việc này đã có tôi lo, mau trở vào cứu dân đi, lực lượng cứu viện sẽ tới trong dăm ba phút nữa”... Câu nói của vị chỉ huy khiến anh cảnh sát trẻ như được tiếp thêm sinh khí. Một mình quay lại Cống Trắng tiếp tục lục tìm trong đống đổ nát…

3. Đêm đó, bà Thuận đã được đưa đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện Xanh Pôn. Bà bị ngất do sức ép của bom và do vết thương ở đầu gây mất máu. Khi tôi tìm đến nhà ông bà ở số 45 ngõ Khâm Đức- Khâm Thiên thì chỉ gặp ông Tư ở nhà. Ông bảo, bà Thuận mới mất năm ngoái, thọ 88 tuổi. Ông Tư năm nay đã ở tuổi 89 nhưng rất minh mẫn. Kể lại câu chuyện về đêm mùa đông của 40 năm trước, nước mắt ông lại tuôn trào.

Đêm ấy bom nổ giữa nhà ông. Trong chớp mắt, toàn bộ nhà cửa tài sản chỉ còn là cái hố sâu hun hút, nhưng điều khiến những con người ở đây vẫn lạc quan, vượt qua khó khăn và cái chết cận kề, đó chính là tình người và đặc biệt là sự gắn bó với nhân dân, vì dân quên mình của những CBCS công an Đồn số 42 ngày ấy.

Là những người tiếp cận, cứu dân đầu tiên, trước khi lực lượng công binh, cứu hộ có mặt, không có bất kỳ một công cụ nào hỗ trợ việc đào bới, chỉ với hai bàn tay, cứ tay không mà cào đất, những cửa hầm bị đất đá vùi lấp, bị sức ép của bom bóp cho méo mó đã được khai thông. Chỉ với hai bàn tay, CBCS công an Đồn số 42 ngày ấy đã cứu được tính mạng của biết bao nhiêu người dân Khâm Thiên trong cái đêm kinh hoàng đó.

Tôi hỏi ông Trường, ngày đó có phút giây nào ông thấy sợ không? Ông lấy khăn chấm nước mắt rồi chậm rãi trả lời: “Tôi thấy chiến tranh thực sự khủng khiếp, nhưng tôi không sợ. Ngày ấy, tôi chỉ nóng lòng muốn cứu người, không còn thời gian mà tính toán so đo điều hơn lẽ thiệt”.

4. Trong đêm 26-12, sau khi cứu được bà Thuận, ông Trường vòng trở lại Cống Trắng, tại đây ông tiếp tục cứu được cụ Chu Văn Du - bố đội phó đội dân phòng Chu Trọng Thành. Và phải đến 10 ngày sau, dưới sự giúp đỡ của lực lượng dân phố, dân phòng, công binh… ông Trường mới tìm thấy thi thể anh Thành bị vùi trong hầm cá nhân.

Gia đình anh Thành có 4 người. Mẹ Thành thì đi sơ tán, em trai chiến đấu ngoài mặt trận, bố thì bị thương sau vụ sập hầm. Người đưa Thành về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Văn Điển cũng chỉ có một mình ông Trường. Không chỉ có Khâm Thiên, toàn bộ ga Giáp Bát cũng là một trong những điểm nóng Không lực Hoa Kỳ tập trung trút mưa bom. Đường sá bị phá tanh bành, phải đi đường vòng từ Khâm Thiên xuống Kim Giang rồi qua Cầu Bươu mới đến được Văn Điển.

Tiễn Thành xong, xe quay về, 5 giờ chiều mùa đông, không hiểu sao trời vàng như đổ nghệ. Màu vàng đó, sau rồi cứ ám ảnh ông… Cái đêm Mỹ thảm sát Khâm Thiên, có 287 người chết. Riêng Đồn số 42 có 4 đồng chí anh dũng hy sinh là Tô Đình Tường- Phó trưởng Đồn, Phan Sĩ Hợp, Nguyễn Đình Mừng - cán bộ Đội QLHC Công an quận Đống Đa được tăng cường xuống đồn và cuối cùng là Nguyễn Văn Liên - cán bộ tập sự mới về đồn chưa đầy hai tháng.

Với những đóng góp trong việc sơ tán, cứu sập, cứu người tốt, đảm bảo an toàn về tài sản cho người dân… Đồn Công an số 42 đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công năm 1973. Thực hiện việc đền ơn đáp nghĩa, mới đây, Đảng ủy, Ban chỉ huy Công an quận Đống Đa đã phát động phong trào mỗi CBCS đóng góp một ngày lương, xây dựng nhà tình nghĩa. Ngôi nhà vừa được hoàn thành và bàn giao cho gia đình Liệt sĩ Phan Sĩ Hợp - nguyên CBCS Đồn số 42.

Theo Quỳnh Vân
Anninhthudo

Theo Đăng lại