Hội Nhà văn Việt Nam bao giờ mới trẻ?

TP - Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam sẽ diễn ra ngày 5-8 tại Hội trường Học viện hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, 135 Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội. Nhân dịp này, Tiền Phong giới thiệu bài viết của nhà thơ Vi Thuỳ Linh, hội viên trẻ nhất Hội Nhà văn Việt Nam, cũng là đại biểu trẻ nhất đại hội với góc nhìn về văn chương đương đại của một tác giả đã có 15 năm cầm bút.
Các hội viên Hội Nhà văn đang trao đổi nghề nghiệp

>> Không thèm biết
>> Cần một sự thay đổi toàn diện

Các hội viên Hội Nhà văn đang trao đổi nghề nghiệp . Ảnh: Phan Hữu Đố

Bài 1: Măng mọc nơi nào?

Hai mươi năm, thời gian đủ cho một thế hệ lớn lên, Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) mới có đại hội (ĐH) toàn thể. Hội Nhà văn, tiến hành họp sau cùng và là ĐH duy nhất mời họp toàn bộ 921 hội viên (HV). Thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, nhưng Hội Nhà văn lại đang giảm sút uy tín vì nhiều lẽ, trong đó có yếu tố già.

Con số 70% HV tuổi trên 60 thật đáng báo động và buồn thảm!

Theo con số thống kê trên báo cáo kiểm điểm nhiệm kì VII, có 70% hội viên trên 60 tuổi, tức là 644,7 người tuổi lên lão. Số lượng HV sinh năm 1970 trở về sau, chỉ có vọn vẹn 16 người, chiếm 1,95% (sinh từ 1970 đến 1980).

Tôi luôn nhớ dấu mốc tháng 9-1995, bài thơ đầu tiên in trên Tiền Phong, tờ báo của tuổi trẻ, một trong các báo lớn và uy tín nhất.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, viết phê bình từ 1980, dịch thuật từ 1980, quen thuộc với độc giả Tiền Phong qua các bản dịch truyện ngắn Nga (bút danh Ngân Xuyên), rất tích cực, ủng hộ bằng các bài giới thiệu, phê bình các cây bút trẻ nhận định: “Con số 16 hội viên tuổi dưới 40 cho thấy Hội NV đang trở thành Hội Người cao tuổi. Văn học VN đang có xu hướng trẻ hoá, Hội NVVN lại già đi. Nếu Hội làm chức năng đúng nghĩa Hội nghề nghiệp, họ sẽ biết phải làm gì, làm thế nào?”.

Kết nạp vào Hội 12-2007, 3 năm qua, tôi vẫn đương kim là HV trẻ nhất Hội Nhà văn VN. Lúc đầu tôi thấy hãnh diện khi là người trẻ nhất, trẻ ở tuổi được kết nạp và tuổi HV. Báu vật của đời người là tuổi trẻ. Người ta có quyền sống hết mình, mơ ước, khám phá, phiêu lưu trong quãng đời thanh xuân ấy.

Nghệ thuật đòi hỏi đam mê, khổ công. Văn học - gốc của mọi loại hình nghệ thuật, càng khó, khắc nghiệt, theo đuổi nó cần tình yêu và can đảm nhưng Hội Nhà văn Việt Nam hiếm khi lên tiếng bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp cho HV, càng đứng ngoài những tranh cãi, bút chiến nhằm vào những cây bút trẻ năng lực, như trường hợp Nguyễn Ngọc Tư bị “đe nẹt” sau Cánh đồng bất tận.

" Người ta có thể mãnh liệt khát khao, tham vọng, thậm chí đôi chút ảo tưởng. Có thể cả tin, dấn thân, thể nghiệm. Nếu sai, hay không thành công, vẫn còn thời gian để sửa, để làm lại, để bắt đầu. Lòng đam mê, liều lĩnh, dũng cảm thường trực nhiệt huyết tuổi trẻ"  - Vi Thùy Linh 

Không có tính học thuật công bằng trong đánh giá, hầu hết xuất phát từ tâm lý răn đe, xoa đầu, quan niệm già - trẻ cũ mới. Hễ thấy tên mới, viết khác thường, cứ phải “đánh” cái đã.

Tập Lưỡi của Văn Cầm Hải (1972), từ Huế gửi ra NXB Hội Nhà văn, không được cấp phép. Hải làm thơ tự do, đậm chất siêu thực, trí tuệ, nhiều tìm tòi, người sành nghề biết, cả những tùy bút của anh lạ và sang. Lưỡi lại vào NXB Đà Nẵng, nơi có TBT Đà Linh luôn đón đầu tác phẩm cách tân, cũng không in nổi và đến giờ 10 năm trôi qua, nó vẫn chưa ra, hay Hải không muốn in nó nữa?

Còn tôi, ròng rã 5 năm, sau hiện tượng tập LINH (NXB Thanh niên, 10-2000) liên tục bị bút chiến, quy chụp bóp méo bằng các đoạn trích lắp ghép, bị lôi ra làm ví dụ, dẫn chứng phê phán bài bác. Văn nghệ trẻ không in thơ tôi, thậm chí còn phê phán quyết liệt nhiều tác giả trẻ mà sau này đã được khẳng định. Ngờm ngợp niềm tin trong sáng và háo hức vào nghiệp, tôi bị tổn thương. Sau tôi mới rõ vì đâu.

Năm năm, chạy suốt từ HN, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt, tới Sài Gòn, tôi mới in được tập Đồng tử. Ví dụ một lát cắt đáng nhớ trên hành trình gian nan sáng tạo, để thấy, may và nhờ tình yêu nghệ thuật, phúc đức của dòng họ, sự lên tiếng kịp thời của những người tốt, tôi mới còn nhuệ khí để trụ đến hôm nay.

Nhiều cây bút lứa sau tôi họ thấy những tai nạn của tôi, mà nản, các đàn em thì hoảng. Có phải ai cũng cuồng say kiên cường để dấn thân, chịu nạn mà vẫn còn cảm xúc, tinh thần để sáng tạo nữa đâu. Có người bị một trận đòn, cả đời không hoàn hồn.

Nhân tài không đợi tuổi. Nhà thơ lớn của thế giới chỉ sống 37 năm mà cuộc đời thành vĩnh cửu, A.Rimbaud (1854 - 1891), 15 tuổi đã vụt sáng Một mùa ở địa ngục và 18 tuổi đã nổi danh bằng tập thơ Con tàu say.

Chế Lan Viên với Điêu tàn năm 17 tuổi. Nguyên Hồng tung hoành Tiểu thuyết thứ bảy từ 17 tuổi, 20 tuổi có Bỉ vỏ. Tuổi 21 Huy Cận đã có Lửa thiêng, Hàn Mặc Tử (1912 - 1946) chói sáng tuổi 24 qua Gái quê. Vũ Trọng Phụng (1912 - 1934), vua phóng sự đất Bắc, một cuộc đời ngắn ngửi và lớn lao, chỉ riêng năm 1936, khi 24 tuổi, đã ra liền 3 tác phẩm lừng danh: Số đỏ, Vỡ đê, Giông tố. Có ai thời ấy thắc mắc, sao trẻ thế mà nổi tiếng, sao lại nổi hơn những người già đương thời, ai cho phép?

Cuộc sống hiện đại, con người có bao bất an sự cô đơn, suy thoái niềm tin. Những cây măng vừa mọc vừa lo bị bẻ. Quy luật “tre già măng mọc” không được chấp nhận như lẽ thường.

Một số bài viết về tiến trình văn học Việt Nam đương đại, còn không kể đến những đóng góp của thế hệ 7X, 8X, cố ý quên chúng tôi. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh nói: “Không ai đại diện cho ai, mỗi nhà văn đại diện cho chính mình. Những người trẻ kiêu hãnh, họ không cần ai giục và phải giục họ. Họ không mặc đồng phục để lẫn vào đám đông” .

Lê Thiếu Nhơn, một trong những cây bút được chú ý bằng thơ, báo, blog, giành giải nhất Tác phẩm tuổi xanh 1996 với truyện ngắn “Giấc mơ không có con dế nhỏ”. Có 5 tập thơ đã xuất bản, 10 năm sau, Nhơn giành giải Hội nhà văn TPHCM với tập “Trong bóng người xưa”, đã quyết tâm nộp đơn xin kết nạp Hội NVVN 2009, và bị rớt!

Trần Tuấn, tuổi 44, sau giải thơ Bách Việt 2008 vẫn chưa có ý định vào Hội NVVN. Còn bao cây bút trẻ xứng đáng: Lê Anh Hoài, Đỗ Doãn Hoàng, Đỗ Doãn Phương, Trang Hạ, Di Li, Đặng Thiều Quang, Cao Việt Dũng. Đã rất lâu không thấy Lưu Sơn Minh, Nguyễn Quyến? Cả nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn, vốn xem là triển vọng, cũng chẳng rõ còn mặn mà được bao nhiêu?

Nghệ thuật là cái đẹp sáng tạo. Văn chương là bài ca của tình yêu và cái đẹp bất tử của tâm hồn, với khát vọng đem đến vĩnh cửu cho con người. Muốn thế, những nghệ sĩ làm nên cái đẹp, phải là nghệ sĩ thực thụ.

Với văn học Việt Nam đương đại, có bao nhiêu tác giả đã và sẽ muốn là người thực thụ chân chính, trong sáng ấy?

Không có điều thiêng liêng quý giá nào trên đời lại có dễ dàng. Văn chương là con đường khổ ải và hạnh phúc. Người ta chỉ có thể lựa chọn và dám đi tận cùng với nó, khi có tình yêu chân thành. Về ý tưởng này, tôi nhớ đến đoạn kết tác phẩm Uất kim hương đen của A.Dumas cha (1802 - 1870) “Đôi khi người ta chịu khá nhiều đau khổ để có quyền nói: Tôi quá sung sướng”.

Câu chuyện về văn chương VN, dài như chuyện của nàng Schéhérazade. Tôi không có thời gian 1001 đêm để kể. Nhưng tôi đã bắt đầu...

Còn nữa

Nhà thơ Vi Thùy Linh