Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam: Thảm đỏ đã trải

TP - Chưa bao giờ văn chương VN trải thảm đỏ rộng thế để đón khách phương xa tới giao lưu và bàn chuyện đưa tác phẩm văn chương Việt ra nước ngoài bằng thứ tiếng của họ.
Đọc thơ tình thế giới bằng tiếng Việt. Ảnh: Tr. Thanh

Sáng qua, tại Hà Nội, Hội Nhà văn VN khai mạc hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN, với 150 đại biểu quốc tế, 200 nhà văn, dịch giả trong nước.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội, từ trước đến nay chỉ có 570 tác phẩm văn học VN được dịch ra tiếng nước ngoài, còn sách văn học nước ngoài tại VN thì rất phong phú: Cứ 100 cuốn trên quầy sách có 25 cuốn sách nước ngoài dịch ra tiếng Việt.

Ông Chanthy Deausavanh- Chủ tịch Hội Nhà văn Lào cho biết, Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Trước giờ nổ súng (Phan Tứ), Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh) được dịch sang tiếng Lào, và văn học Lào bị ảnh hưởng văn học VN là điều không thể chối cãi.

Nhưng, hiện nay, người dịch văn học VN ra tiếng Lào chưa nhiều nên văn chương Việt ở đất nước Triệu Voi còn khá khiêm tốn so với các dòng văn học khác của thế giới. Ông Deausavanh nói sẽ thúc đẩy việc giới thiệu tác phẩm văn chương Việt, và hi vọng “hương thơm của văn học VN sẽ lan tỏa khắp hành tinh”.

Tổng biên tập tạp chí Lửa Việt Andrzej Grabowski (Ba Lan) đọc nhiều thơ cổ VN, ca ngợi các tác giả từ Trần Nhân Tông đến Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu: “Tôi nghiêng mình trước thơ cổ điển VN. Nó sẽ không ngừng được khám phá và đưa ra thế giới”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chọn lọc các tác phẩm văn học tiêu biểu nhất của một quốc gia mang đến cho các quốc gia khác là việc làm có ý nghĩa lớn đem lại hạnh phúc cho người dân, góp phần làm cho hòa bình ngày càng vững chắc:

“Các bạn dịch giả đến VN lần này đánh dấu sự khởi đầu mới để tìm hiểu toàn diện nền văn học, nền văn hóa VN, khởi đầu cho việc giới thiệu văn học, văn hóa VN ra khắp mọi châu lục”.

Một trong những mục tiêu của hội nghị là tập hợp đội ngũ dịch giả văn học VN trong và ngoài nước giúp họ có cái nhìn toàn diện đúng đắn về diện mạo văn học VN, chọn giới thiệu được những tác phẩm tiêu biểu của VN ra thế giới- khâu đột phá quan trọng nhằm đẩy mạnh giao lưu văn học và ngoại giao văn hóa. Nhà văn VN sẽ đặt quan hệ với các nhà xuất bản, tháo gỡ khó khăn về bản quyền, giao dịch.

Từ hội nghị này, Hội Nhà văn sẽ nắm tình hình đội ngũ dịch giả văn học VN trong và ngoài nước, từ đó xây dựng chương trình và kế hoạch dài hạn đẩy mạnh quảng bá văn học Việt ra nước ngoài.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, từ hội nghị sẽ kiến nghị thành lập viện hoặc trung tâm dịch thuật trực thuộc Hội Nhà văn.

Chiều qua, triển lãm giao lưu văn học quốc tế khai mạc tại thư viện Quốc gia với những cuốn sách tiêu biểu của VN được dịch ra tiếng nước ngoài, và cả những cuốn đang chờ dịch.

Ăn mặc như một tôn nữ giữa chiều Hà Nội chớm nắng, dịch giả người Huế, TS Thái Kim Lan- giảng viên Triết học phương Đông Đại học Munich (Đức), người hăng hái đưa chèo, tuồng sang Đức từ những năm 1990, nói với Tiền Phong:

“Trước đây, chúng ta chú trọng chuyển ngữ một chiều Đức sang Việt mà quên mất chiều ngược lại. Người Việt ở Đức có một quỹ giao lưu văn hóa, và chúng tôi bắt đầu dịch văn học Việt sang tiếng Đức từ năm 1999. Tổ chức hội nghị này kể ra hơi muộn, nhưng vẫn kịp.

Người Đức nói riêng và người nước ngoài nói chung thích văn học cổ điển VN hơn là đương đại, là có cái lý của họ. Họ muốn biết cái nền tảng của văn học VN trước khi tiếp cận văn chương đương đại VN. Cũng có thể họ coi đó là đỉnh cao, là kinh điển của chúng ta”. TS Lan đang chuyển dịch thơ Trần Nhân Tông sang tiếng Đức.

Hôm nay, hội nghị tiếp tục tại khu biệt thự Tây Hồ với bốn cuộc thảo luận về văn học cổ đại, văn xuôi hiện đại, thơ hiện đại, và diễn đàn nhà văn trẻ.