Hỏi chuyện GS Trần Văn Khê trong nhà mới

TPCN - 10 - 10 giờ 30 sáng 3 Tết là thời gian còn trống duy nhất trong những ngày đầu năm mới mà bác Tươi - Người giúp việc - hé lộ để tôi có thể đến thăm và chúc thọ ông.
Giáo sư Trần Văn Khê chụp hình cùng gia đình của những người cộng sự

So với hôm mới nhận nhà mới (ngày 6/1/2006) thì hôm nay căn nhà giáo sư được cấp trông đã khá tươm tất.

“Nhờ anh em trong bảo tàng TPHCM giúp sức đấy. Chứ từ hôm về nhà mới tới nay, giáo sư cũng có được ngày nào nghỉ ngơi đâu. Hết khách tới thăm lại phải trả lời phỏng vấn, rồi tham dự những lễ hội văn hoá dân gian. Đến mấy ngày Tết cũng kín việc”. - Bác Tươi nói.

Căn nhà rộng hơn 500 m2 giờ đã được bài trí lại, một khoảng sân nho nhỏ với bộ ghế đá, vài hàng cây kiểng đã ra hoa rực rỡ.

Đằng sau là dãy nhà làm việc, nghỉ ngơi của giáo sư với những chậu bông xanh ngát. Tất cả đều là những món quà của những người hâm mộ hay bạn bè tặng giáo sư.

Đặc biệt nhất là căn phòng chính rộng hơn 80 m2 đã được trưng bày một phần bộ sưu tập của giáo sư trong đó có rất nhiều kỷ vật quý như chiếc đàn tranh gia bảo của gia đình từ thế kỷ thứ 19, chiếc đàn gáo, đàn tỳ bà, đàn bầu do những người bạn giáo sư tặng đã từng theo chân ông đi trình diễn khắp thế giới, những chiếc đàn ngoại quốc do những nhạc sỹ thành danh trên thế giới trao tặng giáo sư….

Nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ bộ sưu tập của giáo sư bởi khi quyết định về lại Việt Nam để sinh sống, ông đã đưa về tới 460 thùng hàng bao gồm nhạc cụ và sách vở, băng đĩa nhạc của 56 năm nghiên cứu về âm nhạc.

Giáo sư quả thực có một trí nhớ tuyệt vời khi chỉ gặp một hai lần nhưng lúc tôi bước vào, giáo sư đã bảo: “Thịnh đó phải không? Ngồi chơi chờ bác chút xíu”. Rồi  ông quay ra mừng tuổi hai người khách, những người đến trước tôi và nghe giáo sư nói chuyện, họ say mê quên cả thời gian.

“Thưa giáo sư! Cảm giác của giáo sư sau hơn 50 năm mới được đón Tết trong ngôi nhà của chính mình?” - Tôi hỏi. “Khó nói lắm! Tết năm nay là cái Tết đầu tiên tôi tìm lại được cảm giác của không khí Tết. Những ngày ở Pháp, tôi cũng có một căn hộ riêng nhưng lúc nào tôi cũng bị mặc cảm mình là người tạm trú dài hạn.

Trở về Việt Nam, tuy tôi được giúp đỡ rất nhiều, nhưng cuộc sống nay ở khách sạn này, mai khách sạn khác nên vẫn chưa được ổn định. Nay có một căn nhà riêng, tôi mới được hưởng cuộc sống thực với mong muốn.

Những ngày vừa qua, tôi được tắm trong tình thương của mọi người, tình thương của đất nước nên cảm giác của tôi trong những ngày Xuân rất nhẹ nhàng thanh thoát, vừa làm việc vừa hưởng những gì lộc trời ban cho.

Khai bút đầu năm Bính Tuất

Bính Tuất đầu năm hạnh phúc đầy
Quê nhà tổ ấm hẳn là đây
Gió Xuân nhẹ thoảng xuyên phòng ốc
Nắng tết nồng soi khắp cỏ cây
Bè bạn xa gần chờ họp mặt
Cháu con lớn nhỏ đã sum vầy
Cuối đời ước mộng nay thành thực
Rực rỡ trong ngoài hoa mãn khai.

Đêm giao thừa tôi ngồi đón Xuân về bên cành mai nở, tìm lại cảm giác bồi hồi, bâng khuâng như cách đây hơn 50 năm về trước. Sáng mùng 1, tôi khai bút với bài thơ mang tựa Khai bút đầu năm Bính Tuất.

“Thưa giáo sư! Năm qua là năm có nhiều niềm vui đối với bác như Cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận là di sản thế giới, bản thân giáo sư thì được trao giải thưởng Đào Tấn, rồi cuối năm là căn nhà này”.

“Dĩ nhiên tôi rất hạnh phúc vì sự chăm lo của đất nước đối với bản thân tôi. Chính vì sự chăm lo này mà tôi nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa” - Giáo sư quay qua nói chuyện về âm nhạc dân tộc.

Ông trăn trở về ca trù, một dòng âm nhạc tinh hoa của dân tộc đang có nguy cơ biến mất. Theo ông ca trù là nghệ thuật âm nhạc bậc cao khó có thể so sánh được.

Từ thanh nhạc, phách gõ, tiếng cầm chầu… và cách suy tư biểu diễn đầy tinh tế, sang trọng. Nhưng vì ca trù là nghệ thuật cao sang quá, sâu lắng quá nên không phải ai cũng hiểu được, nắm bắt được.

Vì thế nên ca trù lần lần đang bị mai một. Để giữ gìn di sản này Nhà nước phải có những chủ trương, biện pháp cụ thể đầu tư cho bộ môn nghệ thuật này, nghệ nhân phải có tấm lòng trân trọng với ca trù còn quần chúng cũng phải tìm hiểu để  thấy được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật này.

“Thưa giáo sư! Năm nay giáo sư đã bước sang tuổi 86, vượt xa cái tuổi … xưa nay hiếm mà vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Giáo sư có bí quyết gì để giữ sức khỏe không?”

“Tôi đã từng bị bệnh nan y trong những năm 56 - 57 của thế kỷ trước và có bác sỹ đã dự đoán tôi khó lòng qua khỏi. Thế nhưng tôi đã vượt qua các bệnh tật để sống tới ngày hôm nay là nhờ một số nguyên tắc.

Tôi có 3 bí  quyết: Một là luôn tuân thủ chính xác những chỉ định của bác sỹ trong mọi sinh hoạt. Thứ hai, luôn có tinh thần lạc quan, luôn nghĩ là mình sẽ chiến thắng trước mọi bệnh tật. Thứ ba, tin tưởng theo niềm tin của bạn bè.

Khi tôi bị bệnh nan y, những người bạn của tôi luôn mong mỏi cho tôi sẽ khỏi bệnh. Nhiều người bạn đã cầu nguyện cho tôi, niềm hy vọng đó tạo thành tư tưởng, nguồn lực ý chí giúp tôi chống chọi với căn bệnh. Ngoài 3 bí quyết trên, tôi còn có âm nhạc dân tộc làm liều thuốc giúp tôi khỏi bệnh.

Tôi thử ví dụ như thế này, có thứ âm nhạc làm ta muốn nhún nhảy, có thứ âm nhạc làm tâm hồn ta dịu lại. Âm nhạc dân tộc của đất nước làm tâm hồn tôi không bị xáo trộn, lắng đọng khiến bạo bệnh dễ qua”.

“Thưa giáo sư! Năm nay giáo sư đã có những dự định gì cho công việc của mình chưa ạ?” “Kế hoạch thì nhiều lắm, tôi sẽ viết tiếp cuối hồi ký của mình, cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và viết bài Âm và dương - xác và hồn trong âm nhạc truyền thống.

Ngoài ra, tôi còn sắp xếp, phân loại, hệ thống hóa nguồn tư liệu để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Bên cạnh đó tôi cũng sẽ tham gia giảng dạy tại một số lớp về âm nhạc truyền thống. Như ngày 10 âm lịch tới đây tôi sẽ ra Huế tham gia lớp nhã nhạc Huế…

Còn thời gian tĩnh dưỡng tôi sẽ ngắm hoa, thưởng trà cùng bạn bè. Với tôi đây là những ngày hạnh phúc nhứt khi được sống, làm việc và nghỉ ngơi thực sự theo mơ ước của mình”.

…… 

Đã quá giờ hẹn, ngoài cửa đã có vài người khách đứng thập thò. Đó là nhóm ca múa nhạc dân tộc thuộc nhà văn hoá Bình Thạnh đang nhờ giáo sư chỉ giáo.

Tôi vội chúc thọ giáo sư rồi chào từ biệt. Giáo sư chân tình nói: “Ngày Tết khách lúc nào cũng nhiều như thế. Mong cháu thông cảm cho bác. Hôm nào bác cháu ta sẽ nói chuyện tiếp về âm nhạc dân tộc”.

Dường như đối với giáo sư, âm nhạc dân tộc là đề tài vô tận mà giáo sư có thể nói ngày qua ngày. Mong sao giáo sư sẽ mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến cho âm nhạc nước nhà.