Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: Mái trường đào tạo lãnh đạo trẻ

TP - Trường Đoàn thân yêu đã trở thành một cái tên bình dị, gần gũi mà chứa chan thật nhiều tình cảm của lớp lớp học viên, những người cán bộ Đoàn từng được đào tạo dưới mái trường đã và đang cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho phong trào thanh thiếu nhi cả nước.
TS Nguyễn Hải Đăng trao bằng tốt nghiệp đại học chính quy khóa I niên khóa 2012-2016 cho sinh viên.

Sau khi hòa bình lập lại, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm của T.Ư Đảng, Bác Hồ và thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, ngày 15/10/1956, Trường Huấn luyện cán bộ T.Ư Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam chính thức được thành lập, trở thành cột mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đoàn ở nước ta. Từ đây, tổ chức Đoàn chính thức có cơ quan chuyên thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Đoàn. Những lãnh đạo trẻ, những thủ lĩnh của phong trào thanh thiếu nhi được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cả về lý luận và chuyên môn để đến với mọi miền đất nước, gây dựng, phát triển phong trào thanh thiếu nhi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng.

Từ ngày ra đời đến nay, Trường đã nhiều lần được đổi tên. Đến ngày 26/7/1995, xuất phát từ yêu cầu nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn và chuẩn hóa trình độ cho đội ngũ cán bộ Đoàn có trình độ đại học, Ban Thường vụ T.Ư Đoàn đã quyết định thành lập Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Trường Cán bộ Thanh thiếu niên Trung ương và Viện Nghiên cứu thanh niên. Sau nhiều năm tích cực chuẩn bị, ngày 10/10/2011, Thủ tướng ký ban hành quyết định về việc nâng cấp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thành cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, mở ra thời kỳ phát triển mới của Học viện.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, trong suốt 60 năm qua, Học viện đã đào tạo và bồi dưỡng hàng chục vạn cán bộ, cung cấp nguồn cán bộ có chất lượng cho Đoàn và hệ thống chính trị, đồng thời còn giúp Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Lào đào tạo hơn 800 cán bộ; giúp Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia đào tạo, bồi dưỡng hơn 400 cán bộ.

Theo TS Nguyễn Hải Đăng, những học viên sau khi tốt nghiệp đã nhanh chóng khẳng định phẩm chất, năng lực trong công tác chuyên môn và hoạt động chính trị -xã hội. “Nhiều cựu học viên đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương, đơn vị. Nhiều công trình nghiên cứu đã được ứng dụng vào trong thực tiễn, góp phần tham mưu cho T.Ư Đoàn những cơ sở khoa học và thực tiễn để quyết định những chủ trương công tác lớn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”, TS Đăng nói.

Với những kết quả và thành tích rất đáng tự hào, nhà trường đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, động viên cán bộ, giảng viên và học viên; được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, T.Ư Đoàn trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.