Học sinh thích đánh giá môn Toán bằng điểm số

TPO - Nên đánh giá học sinh bằng điểm số hay bằng nhận xét “đạt – không đạt” trong môn Toán? Đây là một trong những chủ đề được ban giám khảo đặt ra cho học sinh tại cuộc thi tiếng Anh triết học cho trẻ em - Junior Philosophy Olympiad (JPO) 2023.

Khởi động từ đầu tháng 4, cuộc thi đã thu hút được hàng trăm học sinh quan tâm tìm hiểu và gần 70 video hợp lệ dự thi vòng 1 của các đội đến từ nhiều trường phổ thông trên các tỉnh thành: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La…

Ban giám khảo đã chọn ra 10 đội chơi xuất sắc nhất mỗi bảng Griffin (dành cho học sinh từ khối 4 tới khối 6) và bảng Olympia (dành cho học sinh từ khối 7 tới khối 9) tiếp tục vào vòng 2 thi viết phối hợp.

Kết quả, đội Apex Predator giành giải nhất cuộc thi ở bảng Olympia gồm 3 thí sinh: Phạm Trần Khánh Linh và Lê Hồng Hà Anh (học lớp 9 trường phổ thông liên cấp Olympia), thí sinh Dương Hoàng Quỳnh Anh (trường Vinschools Times City). Tại vòng chung kết, đội Apex Predator đã nhận được câu hỏi: các giáo viên tranh luận về cách đánh giá học sinh bằng điểm số hay bằng nhận xét “đạt – không đạt” trong môn Toán. Mỗi quan điểm đều đưa ra được lý do chính đáng.

Ở vai trò của mình, đội Apex khẳng định ủng hộ cách chấm điểm theo thang truyền thống vì nó có lợi cho học sinh trong việc xác định được vị trí, khả năng của mình. Theo nhóm, những lời nhận xét đỗ - trượt chỉ mang tính chung chung và mang quá nhiều ý kiến chủ quan. Còn chấm điểm thì sẽ khách quan và chính xác hơn.

Không những thế, nhóm cho rằng chấm điểm, điểm số tạo động lực cao hơn cho học sinh. Điểm số cũng là cái để các nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên một cách khách quan và chính xác nhất

“Cách này giúp giáo viên dễ dàng hơn trong việc đánh giá và quan tâm học sinh. Đồng thời giúp học sinh cảm thấy hạnh phúc. Vì khi có sự tiến bộ từ việc nhìn lại vào điểm số để cố gắng, học sinh bớt hoang mang về trình độ, năng lực của mình. Họ có bước tiến trong tương lai, trong sự nghiệp nhờ sự cố gắng cải thiện”, nhóm Apex khẳng định.

Trong khi đó ở bảng còn lại, nhóm The Guardian Owls (gồm 3 thí sinh đến từ Hải Phòng: Đỗ Minh Châu (trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền), Nguyễn Nhật Dương (trường Tiểu học Đằng Hải) và Nguyễn Hà Linh (trường Vinschool Imperia) giành giải nhất sau khi đưa ra ý kiến về trách nhiệm của trường học trong việc giảng dạy và khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh của học sinh.

TS Nguyễn Chí Hiếu -Tiến sĩ kinh tế (ĐH Stanford), Giám đốc học thuật Trường phổ thông liên cấp Olympia, Trưởng ban Giám khảo cho rằng khi nghe cụm từ “Triết học” mọi người thường mặc định đó là những gì cao siêu, sâu sắc mà trẻ con sẽ không thẩm thấu được. Tuy nhiên triết học là những cách nhìn về thế giới mà đụng tới những vấn đề về mặt bản chất.

Đánh giá các phần thi của thí sinh, ông Hiếu cho biết ngoài những năng lực ngoại ngữ rất xuất sắc, năng lực tư duy của thí sinh đã thể hiện được chiều sâu thực sự làm cho Ban giám khảo ngỡ ngàng.

Thực tế, học sinh đã hiểu được bản chất của những vấn đề trong cuộc sống và nhìn nhận nó đa chiều, có chiều sâu. Ngoài ra với những format đề thi yêu cầu phối hợp đội nhóm, thí sinh đã cho thấy khả năng làm việc theo nhóm, hỗ trợ nhau cùng học hỏi, cùng tiến bộ qua từng vòng thi. Đặc biệt nhất là mỗi thí sinh, mỗi nhóm đều có cách nhìn nhận rất nguyên bản, chưa bị các định kiến, khuôn mẫu áp đặt.