Tại Hội thảo Tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia và Công ty Honda Việt Nam tổ chức mới đây, ông Khuất Việt Hùng cho hay, năm 2023, có khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em. Con số đó tương đương 2.100 trẻ em tử vong và bị thương (trong đó khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1200 bị thương). Trong số đó, có gần 1500 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông.
“Nhìn con số các cháu tử vong như thế, ai mà không xót xa. Nuôi bao giờ cho được một đứa con. Nhưng những đứa trẻ ở độ tuổi 15-18, ra đường đi ẩu là tử vong”, ông Hùng nói.
80% vụ tai nạn giao thông ở lứa tuổi 13-18 là do các em tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhóm này điều khiển xe đạp điện, xe gắn máy, thậm chí nhiều em điều khiển xe mô tô khi chưa có giấy phép lái xe. Do đó, các em thiếu kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn. Nhiều em đi trái làn đường, lái xe quá tốc độ, sang đường thiếu quan sát… dẫn đến tai nạn.
Diễn biến học sinh vi phạm giao thông phức tạp
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định việc tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông là điều vô cùng cần thiết.
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, cần định hướng, trang bị cho các công dân về đạo đức tham gia giao thông, về niềm tin, tư tưởng thượng tôn và tuân thủ pháp luật. Đây là hoạt động hàng ngày, hàng giờ, cần được rèn luyện, nhận thức để hình thành thói quen, hành vi đúng quy định của pháp luật.
Ông Hùng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét nội dung giáo dục pháp luật cần được quy trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục, thậm chí đến từng giáo viên chủ nhiệm các lớp khi yêu cầu các phụ huynh, học sinh cam kết không vi phạm an toàn giao thông..
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông còn diễn biến phức tạp, điển hình là các vi phạm như: Phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông; học sinh THPT điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe...
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để thảo luận, xây dựng và ban hành thông tư quy định về giáo dục an toàn giao thông trong trường học.
Theo đó, các kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn giao thông được tích hợp vào các môn học chính khóa, lồng ghép vào các hoạt động giáo dục sẽ được quy định cụ thể trong chương trình giáo dục mầm non, chương trình phổ thông.