Hồ ngầm chống ngập cho Hà Nội: Chống được bao nhiêu?

Theo chuyên gia, hồ điều tiết ngầm chỉ giải quyết được ngập cục bộ ở khu vực hẹp, lượng mưa nhỏ.
Lắp đặt hồ điều tiết ngầm ở TP.HCM

Công ty Thoát nước Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép thử nghiệm hồ điều tiết ngầm với thể tích 2.000m3 nước tại khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm).

Theo đại diện của Công ty Thoát nước Hà Nội, hồ điều tiết ngầm sử dụng công nghệ Cross-wave của Nhật Bản, có thể trữ tới 90% lượng nước mưa trong hồ, thời gian thi công ngắn, sau đó trải thảm bê tông, nhựa, các phương tiện có thể qua lại bình thường.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, các nước trên thế giới đều làm hồ điều tiết ngầm và Hà Nội cũng có thể làm được, tuy nhiên phải tính toán cụ thể, có giải pháp kỹ thuật rõ ràng.

"Làm hồ điều tiết ngầm rất đắt do liên quan đến công trình ngầm, phải làm đường lên, đường xuống, hệ thống kỹ thuật, chống sụt lún, làm sao để không ảnh hưởng đến công trình bên trên...

Với thể tích 2.000m3 như đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội, e rằng hồ điều tiết ngầm không chống ngập được bao nhiêu. Chưa kể nếu mưa lớn, hồ chứa đầy nước, lúc ấy nước mưa không điều tiết được nữa.

Dĩ nhiên đây chỉ là thử nghiệm, nhưng không khéo lại tốn kém. Chính vì thế, phải tính thể tích điều tiết rõ ràng, điều tiết được lượng nước bao nhiêu, tính toán và có giải pháp kỹ thuật cụ thể để quản lý vận hành", GS.TSKH Trần Hữu Uyển lưu ý.

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, nguyên lý chính của chống ngập là thoát nước chứ không phải trữ nước, yếu tố quyết định giảm ngập vẫn là hệ thống thoát nước. Do đó, hồ điều tiết ngầm chỉ là giải pháp hỗ trợ để giảm ngập.

"Muốn mưa không ngập nữa Hà Nội phải tìm được nguyên nhân gây ngập.

Chẳng hạn, lâu nay, thoát nước Hà Nội mới chủ yếu làm thông mương mà không xét đến các ống cống. Nếu đường kính cống từ 1-2m, trong cống đầy cát, bùn thì 2-3 năm phải được nạo vét 1 lần. 

Sau khi nạo vét hết bùn trong cống, xem phố có ngập không? Nếu vét hết rồi mà vẫn ngập thì phải tính tới khả năng cống không đủ diện tích để thoát nước. Khi ấy phải cải tạo lại", GS Uyển nói.

Cũng cho ý kiến về đề xuất làm hồ điều tiết ngầm ở khu vực Đường Thành, Chợ Hàng Da của Công ty Thoát nước Hà Nội, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT không mấy lạc quan về giải pháp này.

Theo ông, điều mọi người lo nhất khi đặt một hồ chứa ngầm dưới đất là nền đất ở nơi đó có ổn định không? Nếu nền phía dưới không ổn định sẽ bị lún, ảnh hưởng đến khối công trình trên mặt đất.

Hồ điều tiết ngầm cũng chỉ dùng để chứa nước lúc trời mưa, đến khi hết mưa thì phải cho thoát nước đi để có không gian trữ các đợt mưa tiếp theo.

Vì hồ để chứa nước mưa nên phải tính xem hồ chịu được cơn mưa bao nhiêu mm theo giờ. Nếu mưa to hơn nữa, hồ đầy, không chứa được nữa thì nước thoát đi đâu?

"Khi nước mưa đổ xuống thông thường sẽ tự tiêu đi nhưng giờ lại giữ lại, việc ấy dễ gây hậu quả. Vô hình trung, việc này làm cho nền đất xung quanh chứa thêm nước. Do đó, trong hồ điều tiết ngầm phải có một công trình ngăn để nếu nước nhiều quá thì không cho tiếp tục chảy vào hồ nữa, đồng thời phải tính toán đường dẫn nước ra chỗ khác", GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, Hà Nội khác với TP.HCM. TP.HCM nhiều đầm, ao, hồ, có vùng trũng, vì thế khi làm hồ điều tiết ngầm, người ta có thể tận dụng các vùng trũng đó để lắp đặt hồ và có nơi cho nước thoát đi khi hồ điều tiết ngầm bị đầy, còn Hà Nội nếu làm bắt buộc phải đào xuống.

"Đất ở Hà Nội người ta đã nghiên cứu, nếu đào sâu xuống nữa thì dễ bị lún cục bộ. Giờ làm cục bộ thêm hồ ngầm, e rằng chưa có hồ thì khu vực xung quanh đã lún. Khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da tôi đã xem thì không thấy có địa hình hở nào, sẽ phải đào ngầm. Chính vì thế phải khảo sát thật kỹ để có hướng xử lý nền đất phù hợp", GS Hồng lưu ý.

Vị chuyên gia về thủy lợi nhận xét, với dung tích nhỏ, hồ điều tiết ngầm chỉ giải quyết được ngập cục bộ ở khu vực hẹp và trong điều kiện lượng mưa nhỏ.

"Cách tốt nhất, theo tôi, TP Hà Nội nên nghiên cứu liên kết các hồ trên địa bàn để tận dụng khả năng chứa của chúng. Theo đó, có thể làm những đường dẫn nối thông nhau giữa các hồ, gọi là liên hồ. Ví dụ, hồ Thiền Quang, hồ Hoàn Kiếm... nối với nhau, truyền ra Hồ Tây, từ Hồ Tây đổ ra sông Hồng", GS.TS Vũ Trọng Hồng đề xuất.

Theo Theo Báo Đất Việt