Simon Cheng (28 tuổi, cán bộ thương mại-đầu tư của Lãnh sự quán) đang bị tạm giữ hành chính 15 ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sáng thông báo ngày 21/8.
Anh Simon được cơ quan đầu tư phát triển quốc tế Scotland của Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong tuyển dụng. Cơ quan này phụ trách xúc tiến thương mại giữa Scotland với các nước. Anh Simon thường được phân công sang Trung Quốc đại lục để công tác.
Bạn gái của anh Simon, chị Annie Li, nói rằng, anh Simon là cư dân Hong Kong, có giấy phép đi lại ở đại lục, có hộ chiếu BNO. Người mang hộ chiếu này được nhận sự hỗ trợ lãnh sự từ Anh nhưng không tương đương quyền công dân Anh.
Chị Li nói rằng, anh Simon đã ký hợp đồng với chính phủ Anh, nếu không được giao nhiệm vụ, anh ấy đã không cần phải đi Thâm Quyến (thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, giáp Hong Kong) vào sáng 8/8 để rồi bất ngờ bị bắt vào tối cùng ngày khi đang đi tàu hỏa cao tốc từ Thâm Quyến trở lại Hong Kong, nước Anh phải có trách nhiệm giải cứu anh ấy.
Tuy nhiên, Trung Quốc không công nhận hộ chiếu BNO. Người mang hộ chiếu BNO vẫn là công dân Trung Quốc, không được nhận sự bảo vệ của Lãnh sự Anh tại Hong Kong hoặc ở bất cứ phần đất nào thuộc Trung Quốc. Theo Luật Quốc tịch của Trung Quốc, nước này không công nhận hai quốc tịch.
“Tôi muốn mọi người rõ rằng, người nhân viên này (anh Simon Cheng) là cư dân Hong Kong, không phải công dân Anh. Vì thế, anh ta là người Trung Quốc và đây hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, ông Cảnh Sảng nói tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Anh Simon bị cảnh sát Thâm Quyến bắt vì vi phạm luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh của Trung Quốc. Luật này đề cập nhiều loại tội danh quá nhỏ để có thể coi đó là tội ác và thường được sử dụng như một biện pháp ban đầu cho phép cảnh sát điều tra nghi phạm trước khi quyết định khởi tố, CNN đưa tin.
Ngày 21/8, hơn chục người biểu tình trước Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong, thể hiện sự quan ngại trước việc anh Simon Cheng bị bắt giữ và yêu cầu nước Anh gia tăng trợ giúp anh này. “Hôm nay có thể là Simon, ngày mai có thể là tôi”, một người biểu tình 29 tuổi nói.
Người mang hộ chiếu BNO có đặc quyền gì?
Theo BBC, sau năm 1997 (năm Anh trả lại Hong Kong cho Trung Quốc), nước Anh trao cho cư dân Hong Kong một quy chế ưu đãi hơn so với các cựu thuộc địa khác - đó là hộ chiếu BNO. Loại hộ chiếu này là cánh cửa để người Hong Kong sang Anh định cư và xin nhập quốc tịch Anh dễ dàng hơn.
Ngoài bảo vệ công dân của mình ở nước ngoài, nước Anh còn trợ giúp lãnh sự cho công dân các thuộc địa, lãnh thổ phụ thuộc Anh. Công dân Anh gồm những người sống ở Anh, mang quốc tịch Anh hoặc con cháu họ vẫn duy trì liên hệ với Anh, dù họ sống ở nước ngoài. Dân Anh hải ngoại gồm người dân các nước thuộc địa cũ sau gộp thành khối Commonwealth.
Nước Anh coi những ai đã là công dân quốc gia mới (thuộc địa trở thành quốc gia độc lập) thì không còn quyền xin hộ chiếu hải ngoại của Anh nữa. Chỉ những ai sinh ra trước một thời điểm cụ thể (1983, 1997), hoặc đã sống dưới thời thuộc địa, ủy trị của Anh mới có thể xin hộ chiếu hải ngoại nhưng phải chờ xem xét. Bìa loại hộ chiếu này không có chữ “Liên minh châu Âu” và người mang hộ chiếu loại này không được Liên minh châu Âu (EU) coi là công dân Anh.
Riêng Hong Kong, vì chỉ là vùng lãnh thổ, không phải quốc gia, không có quốc tịch riêng, nên người dân vẫn được hưởng quyền xin hộ chiếu hải ngoại của Anh. Người sống ở Hong Kong trước năm 1997 và con cháu họ có quyền xin hộ chiếu BNO.
Người mang hộ chiếu BNO được hưởng nhiều quyền khi sang Anh. Họ được vào Anh 6 tháng miễn visa, và một khi đã có mặt ở Anh, có thể đăng ký để có được quyền định cư vĩnh viễn. Họ chỉ cần đăng ký, không phải xin và chờ nhiều năm như công dân các nước khác.
Một khi có quyền định cư, người Hong Kong mang hộ chiếu BNO được hưởng ngay quyền bầu cử, ứng cử vào Thượng viện, Hạ viện Anh. Họ có quyền bỏ phiếu trong bầu cử EU tại Anh khi Anh còn là thành viên EU.
Người Hong Kong mang hộ chiếu BNO có quyền đăng ký để nhập quốc tịch Anh, trở thành công dân, mà không phải xin hoặc chờ nhiều năm như cả các công dân EU đến Anh.
Trong năm 2016, hàng vạn người Hong Kong đã xin hộ chiếu BNO, hãng tin Anh Reuters đứa tin ngày 28/6/2017. Hơn 37.500 hộ chiếu BNO được cấp năm 2016, tăng 44% so với năm 2015. Trước đó, ngày 28/6/2014, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn nguồn chính thức nói rằng, có 500.000 đơn xin hộ chiếu BNO vẫn chưa giải quyết xong.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) từng học ở Cambridge và tại Anh, bà đã quen người đàn ông Hong Kong sau này trở thành chồng bà, BBC đưa tin. Theo báo Anh Sunday Times, chồng bà Carrie Lam và hai con trai đều mang hộ chiếu và quốc tịch Anh.