Hiệp hội Thép xin nhập thép phế liệu: Lo rác tràn về!

TP - Nhiều chuyên gia cảnh báo sẽ có một “trào lưu” nhập phế liệu mới về Việt Nam trong khi tính toán của Bộ Công Thương, từ nay đến hết năm, nếu không có những giải pháp chặn nhập khẩu, chỉ riêng tiền nhập khẩu sắt thép phế liệu sẽ lên tới 1,5 - 1,7 tỷ USD.
Hàng nghìn container phế liệu đang tồn đọng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Xin nhập 1,9 triệu tấn thép phế liệu

Trong văn bản mới nhất gửi Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan chức năng, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đề xuất các cơ quan nhà nước tiếp tục xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu sắt thép vụn đảm bảo điều kiện môi trường làm nguyên liệu sản xuất giải quyết cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Cụ thể, trước mắt cho phép các doanh nghiệp (DN) trong ngành thép được tiếp tục nhập khẩu 1,9 triệu tấn thép phế liệu từ các nước để phục vụ sản xuất trong nước. Trong khi đó, thống kê của VSA cũng cho thấy, để đáp ứng sản xuất, từ nay đến năm 2020,  các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam sẽ cần nhập khẩu khoảng 19 triệu tấn sắt thép vụn (thép phế liệu).

 

Theo lãnh đạo VSA, sản xuất thép từ sắt thép vụn là công nghệ thân thiện với môi trường vì đây là nguồn nguyên liệu tái tạo. Dùng sắt thép phế liệu để sản xuất ra thép, các nhà sản xuất có thể giảm mức năng lượng tiêu thụ và phát thải khí nhà kính chỉ bằng 1/5 so với sản xuất thép từ nguồn nguyên liệu quặng sắt. Đây cũng là một xu thế ở nhiều nước trên thế giới vì sản xuất thép từ phế liệu giúp tiết kiệm được tài nguyên, đảm bảo phát triển bền vững. Trong bối cảnh các dự báo mới nhất cho thấy trữ lượng quặng sắt của thế giới chỉ đủ đáp ứng được cho sản xuất trong vòng 70 năm nữa. Sử dụng sắt thép vụn là giải pháp cần được xem xét.

Để đáp ứng các tiêu chí không ảnh hưởng đến môi trường và không để Việt Nam thành bãi rác thải phế liệu, VSA cũng đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành các chế tài xử lý nghiêm đối với các đơn vị nhập khẩu sắt thép vụn vi phạm quy định, gây tác động không tốt với môi trường.

Rủi ro cận kề

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu sắt thép phế liệu đã lên tới gần 2,5 triệu tấn, tăng gần 83% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính của Bộ Công Thương cho thấy, từ nay đến hết năm 2018, nếu không có giải pháp, kim ngạch nhập khẩu sắt thép phế liệu sẽ lên tới 1,5 - 1,7 tỷ USD.

Về nhập khẩu sắt thép phế liệu vào Việt Nam, tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 30/7 vừa qua, Tổng cục Hải quan công bố báo cáo chi tiết cho hay, tính hết tháng 5/2018, các doanh nghiệp trên cả nước đã nhập khẩu hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu để làm nguyên liệu cho sản xuất thép trong nước. Ngoài sắt thép phế liệu, các doanh nghiệp còn nhập khẩu về Việt Nam cả tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô, giấy... Thống kê cho thấy, hiện cả nước có 928 doanh nghiệp chuyên thực hiện nhập khẩu phế liệu.  

Điều khiến các chuyên gia lo ngại nhất trong việc nhập khẩu sắt thép phế liệu là trong sắt thép phế liệu nhập về Việt Nam có khối lượng lớn là sắt thép lấy từ các thiết bị, máy móc cũ, thép vụn và thép công trình cũ. Trong đó, nguy hiểm nhất là các loại sắt thép từ máy móc cũ thuộc các công trình, nhà máy hóa chất được thải loại nhập khẩu về Việt Nam chưa qua xử lý.

Việc sắt thép phế liệu ồ ạt vào Việt Nam trong những tháng đầu năm, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, việc nói không với nhập khẩu phế liệu đã được nhiều quốc gia áp dụng. Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam không đủ năng lực công nghệ xử lý chất thải, việc nói không với nhập khẩu phế liệu, chất thải là cần thiết.

Ðiều khiến các chuyên gia lo ngại nhất trong việc nhập khẩu sắt thép phế liệu là trong sắt thép phế liệu nhập về Việt Nam có khối lượng lớn là sắt thép lấy từ các thiết bị, máy móc cũ, thép vụn và thép công trình cũ. Trong đó, nguy hiểm nhất là các loại sắt thép từ máy móc cũ thuộc các công trình, nhà máy hóa chất được thải loại nhập khẩu về Việt Nam chưa qua xử lý. 

Năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn phế liệu với trị giá 1,8 tỷ USD. Năm 2016, các doanh nghiệp nhập khẩu tổng cộng 4,9 triệu tấn phế liệu với trị giá gần 1 tỷ USD. Tính trung bình có khoảng 11.000 tấn sắt thép phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam mỗi ngày trong các tháng đầu năm 2018.Số liệu của cơ quan quản lý cho thấy, trong các tháng đầu năm có tổng cộng 72 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu sắt thép phế liệu vào Việt Nam. Trước thực trạng này, mới đây Thủ tướng  Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp để rà soát, siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu trước nguy cơ Việt Nam có thể trở thành điểm đến của các loại rác thải, phế liệu.