Dự án cầu đường Nguyễn Khoái đi qua 3 quận: 1, 4 và 7 có tổng mức đầu tư 3.725 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình trọng điểm được TPHCM ưu tiên, tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công vào tháng 12 năm nay. Cầu đường Nguyễn Khoái dài gần 2,5km, rộng 6,5-25m. Riêng phần đường dẫn hơn 2,3km rộng 26-61,5m. Sau khi hoàn thành, cây cầu chia sẻ một phần áp lực giao thông vào trung tâm cho các tuyến chính hiện nay từ phía Nam TPHCM.
Dự án cầu đường Nguyễn Khoái được HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.250 tỷ đồng, sau tăng lên hơn 2.800 tỷ đồng và hiện nay là 3.725 tỷ đồng, do điều chỉnh quy mô.
Trước đó, trong chuyến thị sát, kiểm tra dự án cầu đường Nguyễn Khoái, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định: "Đây là dự án lớn, trọng điểm và chúng ta có bước chuẩn bị nhiều năm nay với sự nỗ lực của các đơn vị. Vấn đề quan trọng là làm sao để công trình sớm được triển khai. Công trình kết nối nhiều quận, qua nhiều con đường nên quá trình triển khai thi công cần đẩy nhanh, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị".
Dự án cầu đường Nguyễn Khoái có điểm đầu từ đường D1 (kết nối trường Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và khu dân cư Him Lam, quận 7), phần cầu chính vượt kênh Tẻ đi trên cao bằng cầu cạn theo đường Nguyễn Khoái.
Từ góc nhìn ở đường Nguyễn Khoái, phía bên kia bờ kênh Tẻ là đường Hoàng Trọng Mậu (quận 7) dẫn về khu dân cư Him Lam. Từ đó, người dân có thể di chuyển tiếp đến đường Nguyễn Hữu Thọ hoặc đại lộ Nguyễn Văn Linh.
Hiện trạng hai bờ kênh Tẻ, bên phải là quận 4, bên trái là quận 7. Khi có cầu đường Nguyễn Khoái, người dân có thêm sự lựa chọn khi di chuyển từ quận 7, quận 4 vào trung tâm thành phố.
Điểm cuối dự án cầu đường Nguyễn Khoái bắc qua rạch Bến Nghé, nối liền đường Nguyễn Khoái (quận 4) với đường Trần Đình Xu, Võ Văn Kiệt (quận 1).
Đường Nguyễn Khoái hiện hữu có chiều dài 600m, chiều rộng mặt đường khoảng 8m, quy mô 2 làn xe. Dọc đường Nguyễn Khoái tập trung đông dân cư, chợ tự phát khiến con đường này thường xuyên có lượng xe cộ đông đúc.
Cầu đường Nguyễn Khoái được kỳ vọng sớm xây dựng và hoàn thành, tạo ra trục xương sống Bắc - Nam; đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cầu kênh Tẻ, đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y... hiện hữu.
Hình ảnh dòng xe kẹt cứng trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) chờ di chuyển qua quận 1. Đây là con đường huyết mạch nối liền 3 quận: quận 7,4 và quận 1.
Ở hướng khác, phía đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), đoạn hướng lên cầu Kênh Tẻ cũng luôn trong tình trạng đông đúc xe cộ. Trong ảnh là dòng xe nối đuôi nhau hướng lên cầu Kênh Tẻ hướng từ quận 7 sang quận 4.
Dự án cầu đường Nguyễn Khoái còn được kỳ vọng giúp thành phố từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu đi lại trong khu vực ngày một tăng cao.
Phối cảnh cầu đường Nguyễn Khoái (Ảnh: TCIP).