Theo một nghiên cứu của BV Phụ Sản TƯ vừa công bố cho thấy mổ lấy thai có tỷ lệ cao và đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Trong nghiên cứu này, các chuyên gia cũng đặt vấn đề cho rằng mặc dù mổ lấy thai có thể cứu được tính mạng của mẹ và thai nhi trong một số tình huống cấp cứu nhưng trong khi có sự gia tăng tỷ lệ mổ lấy thai mà không có bằng chứng cho thấy có sự giảm tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong cho mẹ cũng như trẻ sơ sinh. Trong khi đó lại có sự gia tăng tỷ lệ của những biến chứng liên quan đến mổ lấy thai.
Thông tin từ nghiên cứu này cho biết, tại BV Phụ sản Trung ương tỷ lệ mổ lấy thai vào những năm 60 của thế ký trước là 9%, nhưng đến năm 2015 con số này là gần 40% và đến năm 2017, con số này đã tăng thêm trên 10%
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS. TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho hay, hiện nay Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về tỷ lệ mổ lấy thai, nhưng tỷ lệ này tùy theo từng bệnh viện, có nơi lên tới 60 nhưng tính trung bình tại TP Hồ Chí Minh khoảng 30%, ở BV Phụ sản Trung ương khoảng tầm 50%.
Mặc dù, mổ lấy thai giúp giải quyết được những trường hợp sinh qua ngả âm đạo không an toàn cho mẹ hay thai nhi nhưng điều này cũng có thể dẫn đến những tai biến:
* Về phía mẹ:
– Tai biến gần:
+ Nhiễm trùng: có thể bị nhiễm trùng vết mổ, tiết niệu, phổi. Thường gặp là nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng ối gây viêm phúc mạc có thể dẫn đến cắt tử cung trong thời gian hậu phẫu.
+ Tai biến do phẫu thuật như chạm phải các cơ quan lân cận (bàng quang, ruột), khâu phải niệu quản, rò bàng quang – tử cung, rò bàng quang – âm đạo.
+ Chảy máu do chạm phải động mạch tử cung, đờ tử cung tăng nhiều hơn khi gây tê, mê để mổ; chảy máu do rách thêm đoạn dưới.
+ Liệt ruột.
+ Bung vết mổ, thoát vị thành bụng.
+ Xuất huyết nội.
+ Thuyên tắc tĩnh mạch, huyết khối.
+ Tử vong cho mẹ.
+ Các tai biến do gây mê – hồi sức.
Phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai thường là gây mê nội khí quản hoặc gây tê tuỷ sống. Do đó có thể có những biến chứng do vô cảm như hội chứng hít (trong trường hợp gây mê nội khí quản); tụt huyết áp, nhức đầu sau mổ (trong trường hợp gây tê tuỷ sống).
+ Dính ruột, tắc ruột.
+ Tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát.
+ Lạc nội mạc tử cung.
+ Sẹo trên thân tử cung có thể bị nứt trong những lần có thai sau (nứt khi chưa vào chuyển dạ hoặc khi đã vào chuyển dạ).
Ngoài ra, trong những lần có thai sau, khả năng sẽ phải mổ lại tăng và nếu sinh ngã âm đạo phải giúp sinh bằng giác hút hoặc forceps để giảm nguy cơ nứt vỡ tử cung…
* Về phía con:
– Thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc mê.
– Bị chạm thương trong khi phẫu thuật.
– Hít phải nước ối.
– Trẻ sơ sinh do sinh mổ có nguy cơ suy hô hấp nặng và đe dọa tính mạng do sự can thiệp khi mẹ chưa chuyển dạ, nhất là trẻ được can thiệp sinh mổ ở thời kỳ thai gần đủ tháng (khoảng 37 tuần). Nguyên nhân chủ yếu là do:
+ Bệnh màng trong thường gặp ở trẻ sinh non, với tỉ lệ 3/1.000 trẻ sinh mổ ở tuổi thai 37 tuần, gấp 13 lần so với trẻ ở tuổi thai 38 tuần và gấp 30 lần so với trẻ 39 tuần.
+ Tình trạng ứ đọng dịch phế nang và thể tích khí trong lồng ngực của trẻ giảm gần 50% so với trẻ sơ sinh bình thường.
+ Hiện tượng cao huyết áp phổi tồn tại: cao gấp 5 lần so với trẻ sơ sinh sinh qua âm đạo bình thường.
– Tử vong chu sinh (trong vòng 28 ngày sau khi sinh) ở trường hợp mổ lấy thai cao hơn so với sinh thường.
Mổ lấy thai cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị chết khi sinh ở lần sinh con tiếp theo (có thể tử cung bị sẹo do cuộc mổ lần trước không tạo điều kiện để lá nhau bám tốt do đó việc cung cấp máu và chất dinh dưỡng nuôi bào thai không đầy đủ)…