Heo nhập khẩu giá rẻ vẫn 'ế'

TPO - Heo nhập khẩu đang được bày bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị tiện lợi tại TPHCM, giá rẻ hơn so với heo “nóng” trong nước từ 50.000-70.000 đồng/kg.
Heo đông lạnh nhập khẩu có giá rẻ hơn heo nóng trong nước đến 60.000 đồng/kg

Nếu như hồi đầu năm 2020, người tiêu dùng “đỏ mắt” tìm không ra thịt heo nhập khẩu để mua, thì gần đây, thịt heo nhập khẩu đã xuất hiện ở nhiều cửa hàng, siêu thị tiện lợi tại TPHCM.

Ngày 7/4, tại siêu thị Bách hóa Xanh An Dương Vương (Q.Bình Tân, TPHCM), heo đông lạnh nhập khẩu được bày bán khá nhiều bên cạnh heo trong nước với giá cả rất cạnh tranh. Cụ thể, sườn non 149.000 đồng/kg, gân giò 79.000 đồng/kg…

Thịt heo nhập khẩu bày bán ở các cửa hàng, siêu thị ngày càng nhiều

Nhân viên siêu thị cho biết, heo nhập có nguồn gốc từ Mỹ, Hà Lan, Áo, Brazil, Ba Lan, Canada. Heo nhập thường ít mỡ hơn heo trong nước, xương cũng nhỏ hơn và cắt thành khoanh đều nhau. Về giá, heo ngoại giá khá rẻ, như sườn non heo ngoại chỉ 149.000 đồng/kg, còn sườn non heo Việt Nam là 209.000 đồng/kg (đây là giá heo đã giảm trong mấy ngày gần đây - PV). Tính ra mỗi kg sườn non của heo ngoại rẻ hơn heo nội tầm 60.000 đồng/kg.

Cửa hàng Thành Niên (Q.Gò Vấp, TPHCM) có bán lẻ thịt heo đông lạnh từ Nga với giá khá mềm, cụ thể ba chỉ rút sườn giá 98.000 đồng/kg, ba chỉ lạng sườn 92.000 đồng/kg, nạc đùi 80.000 đồng/kg, nạc vai 77.000 đồng/kg, ba chỉ sườn và da 83.000 đồng/kg… Còn cửa hàng thịt đông lạnh JBS Food (Q.Tân Bình, TPHCM), sườn sụn heo đông lạnh chỉ bán giá 50.000 đồng/kg, ba chỉ 99.000 đồng/kg, bắp giò nạc 66.000 đồng/kg, nạc xay 65.000 đồng/kg, dựng heo (chân giò trước) chỉ 40.000 đồng/kg…

Heo nhập khẩu chủ yếu có lượng nạc rất nhiều, được cắt thành khúc đều nhau.

Có thể thấy, giá thịt heo nhập cao nhất cũng dưới 100.000 đồng/kg. Theo một số nhà nhập khẩu, giá có thể cao nhất lên 125.000 đồng/kg với các thị trường có thuế nhập khẩu cao như Ba Lan (15% thuế nhập khẩu), Canada (9% thuế nhập); còn với những quốc gia được hưởng ưu đãi thuế 0% thì giá thịt heo đông lạnh khi ra thị trường rất rẻ. 

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên tại nhiều điểm bán heo nhập khẩu, khách hàng đa số là người bán quán ăn, còn cá nhân mua về chế biến món ăn trong gia đình khá ít. “Tôi quen ăn heo “nóng” rồi, mua heo đông lạnh có cảm giác không ngon. Bên cạnh đó tôi cũng phân vân, không biết heo đông lạnh nhập khẩu nằm trong kho bao lâu? Trong khi heo “nóng” vừa được giết mổ, bán trong ngày nên tôi yên tâm hơn” – bà Bình (ngụ chung cư Ihome 3, Q.Bình Tân, TPHCM) cho biết.

Tuy nhiên người tiêu dùng có thói quen mua heo "nóng", chứ không chuộng thịt heo đông lạnh dù giá rẻ 40%-50%.

Bà Bình chia sẻ thêm, nhiều siêu thị bày bán heo trong nước và heo nhập khẩu chung trong tủ mát, không để tên sản phẩm trên từng khay thịt nên bà hỏi kỹ nhân viên đâu là thịt nội rồi mới chọn mua.

Ông Trần Minh, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo tại TPHCM thừa nhận, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, khách sạn… chứ khách lẻ rất ít. “Không phải chúng tôi không nghĩ đến chuyện đưa ra thị trường bán lẻ, đặc biệt là lúc giá heo lên rất cao thời điểm Tết nhưng người dân, siêu thị cũng không mặn mà. Nguyên là do thói quen dùng thịt “nóng” của người dân. Vì vậy, dù heo “nóng” trên 200.000 đồng/kg vẫn có người mua, còn thịt đông lạnh nhập khẩu có khi chỉ 50.000 đồng/kg vẫn rất “ế” – ông Minh lý giải.

Nhập khẩu thịt heo tăng 300%

Thông tin từ Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT, từ ngày 28/1 đến nay, Tập đoàn Miratorg (Nga) đã làm thủ tục xuất khẩu hơn 3.465 tấn thịt heo thông qua 15 doanh nghiệp của Việt Nam. Các lô hàng đã về đến Việt Nam qua các cảng Cát Lái, Phước Long (TPHCM) và cảng Hải Phòng vào ngày 18/3, đang cung cấp ra thị trường. Cũng theo Cục Thú y, tính đến ngày 27/3, Việt Nam đã nhập 39.191 tấn thịt heo, tăng 312% so cùng kỳ năm 2019. Các nguồn chính cung cấp thịt heo cho Việt Nam là: Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Mỹ 7,65%, Nga 2,62%. Trước đó, trong năm 2019, Việt Nam đã nhập 67.131 tấn thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo, tăng 63% so với năm 2018.